Lúa mùa nổi được nông dân tỉnh An Giang canh tác trong hàng trăm năm, là giống lúa truyền thống có thể đạt đến độ cao gần 2m theo con nước lũ. Đặc biệt, cây lúa mùa cho những hạt gạo rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng do nông dân không dùng phân, thuốc trừ sâu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Độc đáo giống lúa mùa nổi cao gần 2m ở xứ cù lao Ông Chưởng

Tô Văn 07/12/2024 06:30

Lúa mùa nổi được nông dân tỉnh An Giang canh tác trong hàng trăm năm, là giống lúa truyền thống có thể đạt đến độ cao gần 2m theo con nước lũ. Đặc biệt, cây lúa mùa cho những hạt gạo rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng do nông dân không dùng phân, thuốc trừ sâu.

Độc đáo cây lúa mùa nổi cao gần 2m

Sáng 6.12, trên cánh đồng khoảng 8.000m2 tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1975, ngụ địa phương) men theo con đê đi vào ruộng để kiểm tra chiều cao thân lúa. Trên ruộng, ngoài thực vật mọc hoang như bông súng, còn có nhiều loại chim như còng cọc, cò... đang tìm thức ăn.

2-lua.jpg
Giống lúa mùa có thể đạt chiều cao 2m, gần như nước lũ dâng cao đến đâu thì cây lúa cao đến đó - Ảnh: Tô Văn

Ông Tâm chia sẻ: “Tôi trồng lúa mùa nổi hơn 10 năm, hầu hết nông dân ở đây đều trồng giống lúa Nàng Tây Đùm. Vào tháng 6 dương lịch, chúng tôi bắt đầu xuống giống để chờ nước vào. Lúa không cần ngâm ủ, đất không cần trục trạt như lúa cao sản. Chỉ cần rải từ 10 - 20kg lúa khô/công rồi cày đất lên vùi hạt giống xuống để tránh chim, chuột cắn phá. Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu, lúa sẽ nảy mầm và phát triển. Đến mùa nước tràn đồng, cây lúa lênh đênh theo con nước… cho đến khi thu hoạch là 6 tháng”.

1-lua.jpg
Cây lúa mùa cho những hạt gạo rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng do nông dân không dùng phân, thuốc trừ sâu - Ảnh: Tô Văn

Ông Tâm cho biết thêm: “Ưu điểm của loại này là nước cao đến đâu thì lúa vẫn vươn lóng vượt qua. Chúng trổ bông vào đúng tiết trời gió bấc thổi, không theo thời gian sinh trưởng như lúa thần nông. Khi nước rút, lúa ngã rạp trên đất, từng lóng trên thân sẽ nảy chồi mới rồi trổ bông.

Trong suốt thời gian sinh trưởng, đặc tính giống lúa mùa nổi ít bị sâu rầy tấn công, các loại bệnh cũng không xuất hiện. Do đó, tôi không cần phun thuốc. Tuy vậy, một trong những khó khăn khi canh tác lúa mùa là khâu thu hoạch khó sử dụng máy gặt đập liên hợp do mặt ruộng bùn nhão nhiều.

Nhân công thu hoạch bằng tay, lúa sẽ được gom về nơi đất gò để tuốt. Do tốn nhiều công đoạn, làm bằng sức người nên chi phí cao hơn lúa thần nông 2-3 lần. Đổi lại nông dân có thể tận dụng rơm sạch trồng nấm rơm, hoa màu để tăng thu nhập”.

4-lua.jpg
Trung bình 1ha lúa mùa nổi chỉ đạt năng suất từ 1 -1,2 tấn/ha, nhưng bù lại bán giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, gần gấp đôi lúa thường - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, ông Huỳnh Văn Tám (SN 1968, ngụ xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có 2.000m2 đất trồng lúa mùa nổi. Ông Tám lý giải vùng xứ cồn như lòng chảo gom nước lũ về. Khi sạ lúa, nông dân chỉ bón ít phân giai đoạn đầu còn lại cứ bỏ cho cây lúa tự phát triển cùng nước, cho nên còn gọi là “lúa trời”.

Với kinh nghiệm lâu năm, ông Tám nói rằng năm nào cánh đồng này ngập sâu hơn 1,5m, thân cây lúa sẽ cao gần 2m, cho hạt to và trổ bông nhiều hơn. Còn năm nào lũ nhỏ, lúa cho bông nhỏ, năng suất kém hơn.

“Do thân lúa cao tạo thành vùng đệm êm ấm kéo theo cá, tôm trú ẩn, chúng ăn côn trùng, sâu rầy phá lúa, cho nên tôi khỏi tốn công phun thuốc diệt rầy. Ngoài ra, cách vài ngày tôi lại giăng lưới bắt cá ăn lai rai. Sau khi thu hoạch xong, tôi chuyển sang trồng đậu nành, rau và bắp non sẽ trúng vụ hơn”, ông Tám nói.

Bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa mùa

Theo ông Tâm, năm nay mặc dù lũ lên cao, nước rút sớm nhưng năng suất lúa vẫn không thua năm ngoái. Hơn nữa, đây là loại lúa sạch, không phân thuốc nên được nhiều thương lái đến bao tiêu.

“Thời điểm này, trung bình 1ha lúa mùa nổi chỉ đạt năng suất từ 1 - 1,2 tấn/ha, nhưng bù lại có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, gần gấp đôi lúa thường, cho nên nông dân trồng lúa có thu hoạch khá. Sau khi trừ hết chi phí thì tôi còn lời hơn 2 triệu đồng một công (1.000m2)”, ông Tâm bộc bạch.

Nhiều nông dân trồng lúa mùa nổi tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, lúa mùa nổi cho năng suất không cao như lúa cao sản nhưng lợi nhuận vẫn cao, do suốt vụ nông dân không phải dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Quan trọng khi thu hoạch xong, nhà nông đốt đồng và những gốc rạ của thân lúa mùa bị cháy thấm vào đất thành một lớp màu mỡ.

Lúa mùa nổi có các giống như: Nàng Pha, Nàng Tây, Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Bông Sen... Theo một số tài liệu, những năm 1890 đến đầu những năm 2000, chủng loại này được trồng phổ biến ở vùng đầu nguồn ĐBSCL, diện tích vẫn còn đến vài nghìn ha. Từ khi lúa thần nông xuất hiện, lúa mùa nổi thu hẹp dần chỉ còn vài chục ha.

5-lua(1).jpg
Ngành nông nghiệp kết hợp với Trường Đại học An Giang và các ban ngành để bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa mùa - Ảnh: Tô Văn

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện nay cây lúa mùa nổi là loại đặc sản ở vùng tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng vài chục ha, chủ yếu tập trung nhiều huyện Tri Tôn, Chợ Mới. Đây là loại lúa thích ứng với vùng biến đổi khí hậu. Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc trừ sâu và chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng.

“Để bảo tồn cây lúa mùa nổi, ngành nông nghiệp kết hợp với Trường Đại học An Giang và các ban ngành để bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Tăng cường năng lực cho nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó cần có sự tham gia tích cực từ nhiều phía”, vị này nói.

Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc trừ sâu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng - Clip: Tô Văn

Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu cho biết, lâu nay viện đang nghiên cứu cho ra giống lúa mùa đáp ứng các tiêu chí: gạo sạch, mùi thơm, mềm cơm. Sau thời gian dài thử nghiệm cùng với nhiều hỗ trợ từ các nhà khoa học, đến nay, cơ bản viện đã tạo được giống lúa mới có mùi thơm, đồng thời đang nghiên cứu thêm độ mềm dẻo để hoàn thiện, đưa ra cho nông dân trồng.

Ông Phong thông tin thêm, lúa mùa nổi cho gạo sạch nhưng khó bán đại trà. Các doanh nghiệp hiện chưa mặn mà do hạt gạo nấu ra hơi khô cứng, khó ăn. Vì thế, sau khi viện hoàn thiện nghiên cứu hạt gạo thì vấn đề tiêu thụ lúa mùa không đáng lo. Chỉ cần gạo sạch và ngon thì vẫn sẽ được thị trường trong và ngoài nước quan tâm. Khi đó, diện tích trồng lúa mùa nổi sẽ tăng lên không chỉ ở tỉnh An Giang mà còn ở cả các tỉnh, thành phố khác, tăng thêm thu nhập bền vững cho nông dân.

Ông Phong cũng so sánh, qua phân tích các chỉ tiêu cho thấy gạo lúa mùa chứa hàm lượng vitamin B1 và vitamin E cao hơn nhiều so với các loại gạo khác, chỉ số đường trong gạo cũng rất thấp. Ngoài ra, chúng có chứa các hợp chất hữu cơ tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, tim phổi, bệnh xơ cứng động mạch, chống lão hóa...

Thấy rõ tầm quan trọng của lúa mùa nổi, từ năm 2013 tới nay, tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Dự án Quản lý nước và thích ứng biến đổi khí hậu (CCCEP) An Giang, thông qua tổ chức GIZ đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh mở rộng diện tích lúa mùa nổi lên vài trăm hecta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
một giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo giống lúa mùa nổi cao gần 2m ở xứ cù lao Ông Chưởng