Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyên rằng, nếu thịt lợn (heo) mắc quá thì người dân còn có nhiều lựa chọn khác như ăn thịt gà, cá... Nghe vậy nhiều người đã vội vàng “ném đá”.

Đôi điều về lời khuyên của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

16/06/2020, 11:39

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyên rằng, nếu thịt lợn (heo) mắc quá thì người dân còn có nhiều lựa chọn khác như ăn thịt gà, cá... Nghe vậy nhiều người đã vội vàng “ném đá”.

Thịt heo giá cao, thì người tiêu dùng không nhất thiết phải mua, nên tạm chuyển sang mua loại thịt khác - Ảnh: Tô Văn

Giá thịt heo loại ngon đã vượt mức 200.000 đồng/kg từ nhiều ngày qua, đúng là làm rất nhiều người ngao ngán, bởi thịt heo là món thường không thể thiếu trong bữa cơm của nhiều gia đình, nhất là những nhà có nhiều trẻ nhỏ. Giá thịt heo tăng, khiến giá những đĩa cơm tấm, tô hủ tíu... cũng tăng lên chóng mặt.

Bởi vậy, khi ông Bộ trưởng Cường phát biểu như thế, nhiều cư dân mạng lao vào “ném đá”. Họ cho rằng, như vậy là ông Cường bất lực, để giá thịt heo bị thao túng “làm giá”, nên mới khuyên dân chọn giải pháp “né” thịt heo cho lành.

Đúng là Bộ NN-PTNT phải có trách nhiệm, khi tổ chức tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi còn nhiều lúng túng, khiến nguồn cung khan hiếm và giá thịt heo đã tăng chóng mặt trong nhiều tháng qua. Thiếu chủ động, lúng túng, đó là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT.

Nhưng chuyện Bộ trưởng Cường đưa ra giải pháp, nếu thịt heo mắc quá thì nên chọn những thứ thịt khác, hay cá... thì không hẳn sai. Bộ trưởng Cường không thể “ra lệnh” cho thịt heo trên thị trường giảm giá bằng mệnh lệnh hành chính.

Giá cả hàng hóa do thị trường quyết định, khó có thể can thiệp bằng cách ra lệnh. Giá một loại hàng hóa nào đó phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất, là giá trị của hàng hóa (phụ thuộc vào năng suất lao động và mức độ phức tạp của lao động...) là yếu tố quyết định giá cả. Thứ hai, đó là giá trị của tiền tệ. Và cuối cùng, giá hàng hóa lệ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường. Thịt heo khan hiếm, giá tăng là đương nhiên. Ngoài ra, giá cả cũng bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh. Heo dĩ nhiên không thể cạnh tranh với heo, nhưng nếu tăng mua thịt gà, gom nhiều cá, giảm mua thịt heo, đấy cũng là sự cạnh tranh, khiến thịt heo giảm giá.

Tổ chức tái đàn chậm, khiến nguồn cung giảm, giá thịt heo tăng - Ảnh: Tô Văn

Nếu chúng ta than vãn đã quá quen với mùi thịt heo, không thể chuyển qua cá, thì vẫn còn sự chọn lựa. Đó là thịt heo nhập khẩu từ Canada, Nga... với giá khá rẻ, như sườn non tại các siêu thị chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Dù thịt heo đông lạnh không ngon bằng thịt tươi, nhưng trong bối cảnh giá heo trong nước quá mắc, đó là lựa chọn không tồi. Người Mỹ, Anh... vẫn xuyên suốt ăn thịt đông lạnh ấy thôi.

Nếu giá cơm sườn, hủ tíu mắc quá, thì chúng ta có thể chọn phở, bún bò, xôi gà... Chuyện đơn giản vậy. Cứ tự giảm cầu, thì người bán sẽ phải tự cân đo lợi nhuận mà giảm giá, nếu họ bán với lợi nhuận quá cao.

Chưa có văn bản, quy định nào bắt buộc thịt heo phải bán với giá bao nhiêu, giá thành phải ở mức nào, nhất là thịt heo không phải mặc hàng đặc biệt mà Nhà nước quản lý. Nếu bắt buộc một doanh nghiệp nào đó phải bán giá thịt heo quá thấp so với giá thành, lỗ ai sẽ chịu? Nhưng nếu thấy họ bán quá cao, ta bớt sức mua, họ giảm doanh số thì họ phải tính toán đến việc giảm giá.

Năm 2017, thịt heo giảm giá kỷ lục, chỉ trên 30.000 đồng/kg, nhiều người phải kêu gọi giải cứu thịt heo để giúp cho người chăn nuôi. Dĩ nhiên khi ấy, Nhà nước không thể bắt buộc người bán phải nâng giá lên để giải cứu người chăn nuôi. Như đã nói, giá cả do thị trường quyết định. Heo giảm giá vì nguồn cung quá dư thừa, trong khi xuất khẩu không tăng, do nhiều người ùn ùn nuôi heo sau đợt tăng giá trước đó.

Giá tăng hay giảm còn do chính chúng ta. Khi chớm bùng dịch COVID-19, nhiều người ùn ùn đổ đi mua gạo, mì tôm, trứng... để dự trữ. Cơn sốt giả tạo ấy đã khiến những mặt hàng trên tăng giá ào ào ngay sau đó, và chỉ chững lại khi Nhà nước trấn an về nguồn cung hàng hóa.

Đừng vội trách ông Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ vì lời khuyên nên chọn món khác, nếu giá thịt heo quá cao. Có trách, là trách chuyện Bộ NN-PTNT chậm trễ trong việc tổ chức tái đàn sau trận dịch, khiến nguồn cung khan hiếm... Bộ đã không có tầm nhìn xa, chỉ chữa cháy, tràn đâu đắp đó theo từng sự vụ!

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều về lời khuyên của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường