Ngành tư pháp đã nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan đề xuất những giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Ngày 16.1, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, ngành tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Về công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), Bộ Tư pháp cho biết đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, bộ đã phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18.9.2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác phối hợp với các bộ ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ…
Nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí; việc thực hiện cải cách hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp được quan tâm chú trọng, tăng cường…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết năm 2024 có nhiều sự kiện chính trị, pháp lý, đòi hỏi ngành tư pháp phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Trong đó có thể kể đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thành lập, triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Theo đó, một trong những kết quả của hoạt động này là Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật sửa 4 luật về kế hoạch đầu tư, luật sửa 9 luật về tài chính; đẩy sớm thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai – đạo luật được xem là hết sức cần thiết để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các luật này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cơ quan báo chí và có ý nghĩa quan trọng với xã hội.
Ngoài ra, theo ông Tịnh, Chính phủ cũng xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Với tinh thần trên, số lượng luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành tư pháp, pháp chế các ngành trong công tác soạn thảo, thẩm định văn bản.
Theo ông Tịnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật, nhất là một số hoạt động chính như Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp với trọng tâm là quá trình nghiên cứu, xây dựng, thực thi chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thứ trưởng Tịnh cũng lưu ý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có nhiều quy định mới, thể hiện tư tưởng mới về phân cấp, phân quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước được vận hành một cách hiệu quả, hạn chế cấp trung gian, phát huy vai trò của pháp chế địa phương trong tham mưu xây dựng pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, lập quy vừa khoa học, chặt chẽ vừa linh hoạt, gắn với nhu cầu hoàn thiện thể chế... Đây đều là những khía cạnh có nhiều dư địa để các cơ quan báo chí khai thác chuyên sâu, truyền thông rộng rãi.
Về phía các đơn vị thuộc bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, báo chí; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin khi cơ quan báo chí cần. “Truyền thông phải xuất phát từ đơn vị chuyên môn”, Thứ trưởng Tịnh nhấn mạnh.