Hãng AFP cho biết, ở tuổi 61, chính trị gia lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer sẽ trở thành Thủ tướng Anh lớn tuổi nhất trong vòng gần nửa thế kỷ qua. Ông lên nắm quyền chỉ 9 năm sau khi lần đầu tiên được bầu vào quốc hội.
Từng làm luật sư nhân quyền và công tố viên trước khi trở thành nghị sĩ, Starmer khá thực dụng chứ không đi theo hệ tư tưởng riêng lẻ nào. Ông nhiều lần tuyên bố lúc tranh cử rằng: “Chúng ta phải đưa chính trị trở lại phục vụ nhân dân. Đặt đất nước lên hàng đầu, đảng chỉ đứng thứ hai”.
Tuyên bố trên khiến không ít cử tri ca ngợi ông như nhân vật lãnh đạo an toàn. Nhưng những người dèm pha cho rằng Starmer là kẻ cơ hội, thường xuyên thay đổi quan điểm và không vạch ra được định hướng rõ ràng nào cho đất nước.
Chính trị gia này đã rất vất vả để rũ bỏ hình ảnh lịch sự và nhàm chán của mình, gần đây mới tỏ ra thoải mái hơn trước sự chú ý từ công chúng. Người ủng hộ thừa nhận Starmer kém thu hút hơn nhiều người tiền nhiệm trước chẳng hạn như cựu Thủ tướng Boris Johnson, nhưng sức hút của ông lại nằm ở chính diện mạo toát lên vẻ vững chắc.
Với mái tóc màu xám và cặp kính gọng đen, Starmer là một trong số chính trị gia lãnh đạo đảng Lao động xuất thân từ tầng lớp lao động. Ông thường giới thiệu cha là thợ chế tạo công cụ, còn mẹ làm y tá.
Starmer từng cam kết duy trì thói quen không làm việc sau 6 giờ tối thứ sáu để dành thời gian cho vợ (làm việc ở Cơ quan Y tế quốc gia Anh) cùng 2 con. Theo nhà báo Tom Baldwin - người viết tiểu sử của chính trị gia lãnh đạo đảng Lao động: “Điều phi thường ở ông ấy là giữ tác phong bình thường”.
Được phong tước hiệp sĩ
Keir Rodney Starmer sinh ngày 2.9.1962 trong một gia đình ở ngoại ô London. Ông có 3 anh chị em, cha mẹ yêu động vật, thường giải cứu lừa.
Sau khi học luật tại 2 đại học Leeds và Oxford, Starmer bắt đầu tham gia hoạt động cánh tả như bảo vệ công đoàn hay phản đối chuỗi thức ăn nhanh McDonald's. Đến năm 2003, ông chính thức trở thành luật sư nhân quyền.
5 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Công tố Anh và Xứ Wales (DPP) dưới thời Thủ tướng Gordon Brown. Giai đoạn 2008 - 2013, Starmer giám sát hoạt động truy tố hàng loạt nghị sĩ, nhà báo, đối tượng gây bạo loạn.
Dù được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ nhưng Starmer hiếm khi dùng danh xưng “ngài” phía trước tên mình. Năm 2015 ông đắc cử nghị sĩ, một năm sau tham gia “cuộc nổi loạn” nội bộ đảng Lao động lật đổ chính trị gia cánh tả Jeremy Corbyn. Tuy nhiên sau khi cuộc lật đổ thất bại, ông vẫn ở lại làm người phát ngôn về Brexit của đảng, đến năm 2020 chính thức kế nhiệm Corbyn.
Từ đó Starmer đưa đảng Lao động về với đường lối trung lập dễ thu hút cử tri hơn, xử lý tận gốc chủ nghĩa bài Do Thái.
Bộ trưởng Tư pháp Dominic Grieve (đảng Bảo thủ) từng làm việc với Starmer lúc ông giữ chức Giám đốc DPP, đánh giá chính trị gia đảng Lao động truyền cảm hứng về lòng trung thành nhờ là một người đứng đắn và lý trí.
Phe cánh tả chỉ trích Starmer phản bội vì từ bỏ nhiều cam kết lúc tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Lao động, chẳng hạn như bỏ học phí đại học. Nhưng không thể thừa nhận chiến lược tái định hướng mà ông thực hiện đã giúp đảng thành công quay lại nắm quyền sau 14 năm.