Điện giật chết anh khi đang loay hoay đưa đàn lợn chạy lên cao trong đêm lũ về. Trong mưa gió bão bùng, chị ôm xác chồng lên chạn nhà tránh lũ. Ở bên kia con sông Vu Gia nước đục ngầu cuồn cuộn, đàn con gào khóc vì không có cách gì về ôm lấy xác cha khi hơi ấm đang tan dần…
Xác người chìm trong lũ dữ
Ngày 18.12, khi mưa bớt lớn, lũ sông Vu Gia hạ xuống hơn dù vẫn đang cuồn cuộn chảy, thi thể ông Trần Văn Hùng (SN 1964, thôn 8, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) đã được đưa xuống khỏi gác nhà để quàn làm lễ đưa tang. Đập tràn trước cổng chào của làng nước lũ vẫn rất sâu, người thân, hàng xóm phải bỏ xe lại bên kia để lội vào phúng điếu.
Trong căn nhà nhỏ ẩm dột, ngấn nước lũ vàng quạch bùn cao hơn quan tài. Tiếng khóc trộn lẫn tiếng nước sông đang xé bờ ngoài kia. Hàng xóm quây tụ dần, người dựng mái rạp, người dọn vội bùn nền nhà để làm đám tang cho người láng giềng xấu số. Khói nhang nghi ngút không che mờ được những gương mặt vẫn còn phờ phạc sau bao đêm chạy lũ.
Trong góc nhà, bà Võ Thị Lệ Thu, vợ ông Hùng, ngồi thẫn thờ; áo tang trắng loam nhoam bùn đỏ lũ tống vào nhà. Bà ngồi vô hồn, hàng xóm khóc rưng rức, bởi nước mắt bà đã tràn theo con lũ mấy đêm nay rồi.
Anh Nguyễn Hữu Mạnh, hàng xóm đối diện nhà bà Thu kể: “Chiều tối hôm 15.12, nước lũ sông Vu Gia tràn vào, nhiều nhà trong làng ngập sâu, mọi người cuống quýt dọn đồ chạy lũ. Khoảng 5 giờ chiều, nước vào nhà ông Hùng rất cao. Tôi đang loay hoay dọn đồ bên nhà thì nghe tiếng chị Thu kêu cứu thất thanh. Biết việc chẳng lành, tôi lao sang xem tình hình thế nào. Phía trước nhà nước ngập gần đến nửa cửa chính. Không thấy ai, tôi lội vòng ra sau nhà thì thấy chị Thu đang đứng khóc cuống quýt. Xác anh Hùng nằm ngửa và chìm dần trong nước.
Hỏi ra thì mới biết, hôm đó vợ chồng anh Hùng đã dọn hết đồ đạc lên gác rồi. Trong khi nước lên cao rất nhanh, anh Hùng sực nhớ còn 5 con heo mới mua về để nuôi đang ở sau nhà, vậy là ảnh ra để bắt đưa lên cao tránh lũ. Trời tối, mưa lớn, nước lớn, anh Hùng với tay kéo bóng điện xuống để thấy đường thì không may dây điện hở giật. Khi chị Thu đang ở trên gác chờ thì nghe một tiếng ‘Xí ơi’ rồi tắt lịm. Biết chuyện không may, chị lội xuống, đàn lợn còn đó, chồng thì mãi xa”.
Đưa xác anh Hùng lên gác xong, anh Mạnh lại phải lội nước xiết sang nhà đưa vợ con tránh lũ. “Tối đó chỉ có chị Thu và vợ chồng người anh trai ngồi trên gác tránh lũ và trực trông thi thể anh Hùng. Hàng xóm có muốn qua thăm viếng cũng không được bởinước rất lớn, ai cũng lo cứu tính mạng cho gia đình mình. Con cái ảnh thì đi làm xa cả. Thảm lắm”, anh Mạnh nói nghèn nghẹn.
Sau hai ngày đêm để xác ông Hùng trên gác, đến sáng 17.12, nước lũ dần rút thì người thân mới đưa ông xuống khâm liệm đưa vào quan tài. Trong mưa lũ, người lội đi lấy cờ phướn, người lo nhang khói. Tiếng búa đóng vào quan tài gõ nhịp khôn nguôi…
Vọng xác cha bên kia sông lũ
Đêm cha mất, Trần Văn Liêm, con út chị Thu đang đi phụ giúp bán quán cháo vịt ở một vỉa hè dưới TP.Đà Nẵng. Liêm năm nay 19 tuổi, đang theo học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề số 5 Đà Nẵng. Nhà Liêm thuộc hạng nghèo trong xã. Ngoài Liêm, anh trai đầu Trần Văn Đào mới ra trường cưới vợ năm nay, không có việc nên phải đi làm công nhân trong khu công nghiệp Hòa Khánh. Anh thứ của Liêm là Trần Văn Ngọc đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản chưa được 1 năm nay. Hằng tháng, vì nhà nghèo nên cha mẹ chỉ gom góp gửi xuống cho Liêm được năm bảy trăm ngàn để ăn uống với ước mong con có cái nghề sinh nhai.
Nhà được vài sào ruộng đi thuê lại để trồng trọt không đủ ăn, cha Liêm phải gom góp mua thêm vài con lợn con về nuôi để có thêm chút tiền dự trữ lúc cần. Không ngờ, lũ về, vì cứu đàn heo mà cha Liêm đã ra đi mãi mãi.
Gương mặt đờ đẫn của cậu bé tuổi đầu vào đời bỗng chốc mất cha nhìn đến đau đớn. Liêm kể trong tiếng nấc: “Tối đó em đang đi làm thêm ở quán cháo vịt như thường ngày thì nghe bác ruột điện xuống là cha mất. Đau đớn quá anh ơi. Em vứt hết mọi thứ cùng anh trai chạy xe máy về trong đêm. Mưa lớn quá, nước sông to quá, hai anh em chỉ đứng bên này mà khóc rồi nhờ ở tạm nhà người dân ở. Đến chiều ngày 16, hai anh em liều vượt sông về thì xác cha đã lạnh cứng”.
Ở bên kia nước Nhật, đứa con trai thứ nghe bác gọi qua báo tin dữ khóc lên khóc xuống. Ngọc phải liều xin nhà trường và vay mượn tiền bạn bè mua vé máy bay về để tang cha.
Ở xóm trong, mẹ anh Hùng như đã thành người vô hồn từ khi nghe tin con trai mất. Ông Trần Bốn, anh trai ông Hùng khóc kể: “Hôm em mất, tôi và vợ vội giao mẹ cho mấy đứa con ở nhà đưa lên gác tránh lũ. Hai vợ chồng xuống trực xác em trên gác cùng mợ nó. Cả nhà đều phải giấu không cho mẹ biết là Hùng đã mất. Đến ngày hôm nay, lũ rút rồi phải tổ chức lễ tang cho em cũng đành phải nói thật với mẹ là thằng Hùng mất rồi. Nghe vậy mẹ tôi ngất và như phát điên, giờ bà lú lẫn luôn rồi. Trong chốc lát mưa lũ, bà mất đứa con”.
Nước lũ vẫn nhẹ nhàng rút xuống như kẻ vô tội. Chỉ có thôn xóm bên dòng Vu Gia lại nhuốm màu tang tóc. Khách tới viếng tang bắp chân vẫn còn dính bùn vì lội nước. Hàng cờ tang ướt nhèm trong mưa, rũ bóng xuống bùn non.
Đứa trai trưởng khóc: “Cha ơi cha, răng cha chết tức tưởi rứa cha ơi. Cháu nội nó sắp ra đời rồi, sao cha không chờ mà nhìn cháu nó cha ơi!”. Vợ ông Hùngkhóc: “Anh ơi anh, răng rứa anh ơi. Anh đi bỏ lại tui, ba đứa con còn lận đận, mình tui nuôi nổi răng anh ơi. Rồi tui sống răng đây anh ơi, rồi con sẽ thế nào đây anh ơi!”.
Như bao đớn đau đã trút xuống miền Trung này vì bão lụt, một mái nhà nghèo nữa lại rơi vào thảm cảnh. Vợ mất chồng, cha mất con. Dân tôi sao suốt đời mãi khổ.
Hiện, gia cảnh bà Võ Thị Lệ Thu rất khó khăn. Gia đình thuộc diện khó khăn trong xã, vợ chồng bà Thu phải thuê vài sào ruộng làm không đủ ăn. Nhà có 3 đứa con trai thì con trai đầu phải đi làm công nhân ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng ông vay mượn được 250 triệu đồng cho con trai thứ hai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản mới 1 năm nay. Đứa con trai út hiện đang học nghề ở Đà Nẵng. Giờ chồng mất, bà Thu đang tính cho con phải nghỉ học vì không có tiền hỗ trợ. Ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết chính quyền xã đang tích cực kêu gọi mọi người hỗ trợ cho gia cảnh của bà Thu. Trước mắt, chính quyền xã hỗ trợ 2 triệu đồng, UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ 4 triệu đồng để gia đình tổ chức tang lễ. Rất mong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ phần nào để gia đình phần nào vượt qua khó khăn này. |