Nghiên cứu về việc liệu động vật có thể nhận ra mình trong gương hay không bắt đầu được thực hiện từ năm 1970 và kể từ đó chỉ một số ít loài đã vượt qua bài kiểm tra.
Mặc dù con người chúng ta là loài duy nhất ngắm nghía kỹ lưỡng hình ảnh phản chiếu của mình trong gương mỗi ngày, nhưng chúng ta không phải là loài duy nhất nhận ra chính mình trên các bề mặt phản chiếu.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm khả năng nhận dạng bản thân qua gương ở nhiều loài, bắt đầu với nghiên cứu về tinh tinh (Pan troglodytes) vào năm 1970. Các loài động vật từ kiến, cá đuối đến vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) cũng được thử nghiệm để tìm xem khả năng tự nhận thức của chúng trước gương. Một số ít loài nhận ra bản thân trong gương nhưng nhiều loài thì không; một số loài khác đã thể hiện hành vi phản ứng nhưng không thuyết phục.
Những kết quả hỗn hợp này khiến các nhà nghiên cứu tranh luận về tính hữu ích của thử nghiệm và cách nó giúp giới khoa học hiểu được nhận thức của động vật.
Frans de Waal, nhà động vật học tại Đại học Emory đã nghiên cứu các bài kiểm tra về khả năng tự nhận thức qua gương của động vật. De Waal cho biết: “Nhiều loài động vật không vượt qua được bài thử. Chúng cần được kiểm tra dấu hiệu trực quan trước gương mà không trải qua huấn luyện trước. Việc này cần phải để chúng tự phát". Do vậy, ông không tin vào việc một số động vật tự nhận thức được bản thân qua gương mà cho rằng đó chỉ là phản ứng giả.
Vậy những con vật nào đã vượt qua bài kiểm tra?
Trong thí nghiệm trên tinh tinh năm 1970, 4 con tinh tinh đã được gây mê và quệt thuốc nhuộm đỏ trên mặt. Khi tỉnh dậy, chúng đã soi gương và tự kiểm tra những vệt đỏ trên mặt mình, điều đó cho thấy chúng hiểu rằng mình đang nhìn vào bản thân qua gương. Bài kiểm tra đánh dấu thuốc nhuộm đó hiện được coi là bằng chứng thuyết phục nhất về khả năng tự nhận thức của động vật qua gương.
Các loài vượn lớn khác cũng đã vượt qua bài kiểm tra. Đười ươi nhận ra chính mình - và thậm chí còn xác định được vết bị đánh dấu trên cơ thể chúng - trong một nghiên cứu năm 1973.
Nhưng trong một nghiên cứu năm 1994, người ta lại quan sát thấy tinh tinh lùn kiểm tra các khu vực trên cơ thể mà chúng không thể nhìn thấy qua gương. Kết quả đối với khỉ đột còn thiếu thuyết phục hơn. Khỉ thường xem hình ảnh phản chiếu của chúng như một con vật khác chứ không nhận thức được đó chính là mình.
Ngoài ra, một loạt nghiên cứu gây tranh cãi cho thấy một số loài linh trưởng cũng có thể tự nhận dạng được bản thân, nhưng đó là sau một quá trình được huấn luyện. Điều này cũng đúng với các loài động vật khác, khiến người ta nghi ngờ về ý nghĩa của những nghiên cứu dạng đó.
Ellen O'Donoghue, nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học Cardiff ở Anh, người đã nghiên cứu việc học ở chim bồ câu, đặt câu hỏi: "Quy trình huấn luyện đó có phủ nhận kết quả của bài kiểm tra qua gương đối với loài tham gia không?". Những người chỉ trích các bài kiểm tra dành cho động vật được huấn luyện, cho rằng hành vi như vậy không phải là bằng chứng đáng tin cậy về khả năng tự nhận thức.
Loài động vật có vú trên cạn duy nhất đã vượt qua bài kiểm tra một cách thuyết phục là voi châu Á (Elephas maximus) tại vườn thú Bronx. Các nghiên cứu về cá heo cho thấy chúng cũng có thể nhận ra hình ảnh phản chiếu của bản thân. Một nghiên cứu năm 1995 sử dụng video thay vì gương và một nghiên cứu năm 2001 sử dụng gương đều chỉ ra rằng cá heo sử dụng hình ảnh phản chiếu của bản thân để kiểm tra các vết bị đánh dấu trên cơ thể chúng.
Năm 2008, các nhà nghiên cứu về loài chim ác là Á-Âu (Pica pica) đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên cho thấy những loài không phải động vật có vú cũng có khả năng tự nhận biết bản thân. Chim bồ câu cũng vượt qua bài kiểm tra - nhưng chỉ sau một thời gian huấn luyện nghiêm ngặt. Vào năm 2022, chim cánh cụt Adélie hoang dã (Pygoscelis adeliae) cũng có dấu hiệu tự nhận thức trước gương, mặc dù chúng không phản ứng với những chiếc yếm sặc sỡ được đeo quanh cổ.
Các thử nghiệm trên động vật bậc thấp cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy loài kiến có thể có khả năng tự nhận thức nhất định vì chúng cố gắng loại bỏ lớp sơn xanh khỏi đầu khi nhìn vào hình ảnh bản thân phản chiếu qua gương.
Hai nghiên cứu cho thấy động vật lớp cá có thể nhận ra bản thân. Một nghiên cứu vào năm 2016 đã phát hiện ra rằng cá đuối dường như tự kiểm tra bản thân và thổi bong bóng khi chạm mặt trong gương. Tuy nhiên, không có bài kiểm tra nào bằng cách đánh dấu lên cơ thể cá được tiến hành. Và một thử nghiệm năm 2019 trên cá bàng chài (pháp danh khoa học là Labroides dimidiatus) cho thấy chúng đã cố gắng loại bỏ vết thuốc nhuộm tạo ra ở mặt dưới sau khi phát hiện bản thân trong gương.
Thực tế là những sinh vật được cho là cấp thấp hơn này đã vượt qua bài kiểm tra qua gương, trong khi một số động vật thông minh nhất (không tính con người), gồm cả vẹt xám châu Phi lại thất bại. Chính nghịch lý đó đã khiến các kết quả bị nghi ngờ. Không rõ liệu những cuộc thử nghiệm này có chứng minh được ý thức thực sự về bản thân một cách đúng nghĩa hay không. Hay chúng chỉ đơn giản là biểu thị một nhận thức phức tạp về cơ thể.
O'Donoghue nhận xét: "Bài kiểm tra trước gương có thể chỉ ra một khía cạnh của nhận thức về bản thân. Chúng ta có xu hướng coi sự nhận thức về bản thân theo kiểu nhị phân, là tất cả hoặc không có gì. Nhưng điều đó có lẽ không đúng trong thế giới sinh vật, sự nhận thức này cũng có phân cấp".