Tuần qua, chính trường Đông Nam Á rung động bởi 1 sự kiện có thể đi vào lịch sử không chỉ tại Malaysia nơi nó xảy ra mà có âm hưởng trong khu vực, gây sự chú ý trong chính giới toàn cầu: Dr Mahathir Mohamad, cựu thủ tướng đã 92 tuổi, thắng cử trở thành thủ tướng thứ 7 của Malaysia.

Dr Mahathir Mohamad thắng cử - không chỉ là chiến thắng của một ông già

14/05/2018, 18:26

Tuần qua, chính trường Đông Nam Á rung động bởi 1 sự kiện có thể đi vào lịch sử không chỉ tại Malaysia nơi nó xảy ra mà có âm hưởng trong khu vực, gây sự chú ý trong chính giới toàn cầu: Dr Mahathir Mohamad, cựu thủ tướng đã 92 tuổi, thắng cử trở thành thủ tướng thứ 7 của Malaysia.

Ông đã lật đổ chính Đảng Barisan Nasional mà trước đây ông đã lãnh đạo trong cương vị thủ tướng từ năm 1981 tới 2003 và đánh bại người học trò cũ thân thiết của ông, thủ tướng Najib Razak, con của cố thủ tướng thứ 2 của Malaysia Abdul Razak.

Để đi tới thắng lợi đó, ông đã liên minh và trở thành thủ lĩnh liên minh đối lập Pakatan Harapan của bà Wan Azizah, vợ ông Anwar Ibrahim mà chính ông đã ném vào tù năm 1999. Ông hứa sẽ thỉnh cầu vua “tha thứ” cho ông Anwar để chuẩn bị cho 2 năm sau sẽ trao chức thủ tướng cho ông này. Những diễn biến trên sân khấu chính trị Malaysia đã vượt xa trí tưởng tượng của nhiều người và gây sự tò mò không nhỏ cho những người quan sát trên thế giới.

Kết quả tổng tuyển cử ngày 9.5 vừa qua, Đảng liên minh đối lập Pakatan Harapan (Liên Minh của Hy Vọng) của ông Mahathir được 121 ghế, chiếm đa số trong tổng số 222 ghế trong quốc hội liên bang gồm 13 tiểu bang của Liên bang Malaysia. Đảng liên minh cầm quyền Barisan Nasional chỉ chiếm được 73 ghế, so với 133 ghế trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Đây là thất bại chưa từng có đối với liên minh cầm quyền và là dấu chấm hết cho thời kỳ độc quyền lãnh đạo của UMNO, thành viên nòng cốt của Barisan Nasional.

UMNO ra đời từ năm 1946 và chính thức tham gia nghị trường 9 năm sau trong cuộc tuyển cử 1955 mà Singapore còn là thành viên của Liên bang Malaya dưới sự đô hộ của người Anh. Hai năm sau, 1957, người Anh đã trao trả độc lập cho Malaysia và Singapore (ở mức độ thấp hơn). Tuy không ghi trong hiến pháp, UNNO đã nắm độc quyền lãnh đạo Liên bang Malaysia từ đó thông qua 13 lần tổng tuyển cử với 1 số liên minh có tên khác nhau (Alliance Party, Barisan Nasional).

Đảng Pakatan Harapan chỉ mới ra đời năm 2015, và ngay năm 2016 cựu thủ tướng (lúc đó) Mahathir, ở vào đúng tuổi 90, đã thành lập đảng Đoàn kết Dân Bản xứ (PPBM) với nòng cốt là các thành viên cánh tả của Đảng Cầm quyền UMNO tách ra.

Tuy nhiên, ngay từ đầu đảng của ông Mahathir đã chủ trương liên kết với Pakatan Harapan trong mục tiêu lật đổ chính phủ của UMNO, hay Barisan Nasional. Chủ tịch đương nhiệm của Pakatan Harapan không phải ai khác chính là Dr Wan Aziza, vợ của cựu phó thủ tướng dưới thời Mahathir, người đã bị chính ông ném vào tù năm 1999 vì “tội đồng tính luyến ái” như đã nói ở trên.

Một cuộc thương lượng vô tiền khoáng hậu đã diễn ra, và kết quả của nó cũng không kém phần ngoạn mục. Ông Mahathir đã được đưa lên làm lãnh tụ đảng đối lập Pakatan Harapan, để quay lại đấu với chính đảng cũ của ông và người học trò cưng Najib Razak.

Nếu ai đã từng chứng kiến hai mẹ con bà Azize với khuôn mặt thất thần, giọt nước mắt cay đắng trước ống kính của các nhà báo khi chồng bị ném vào tù năm 1999 mới hiểu được nỗi đau của gia đình Anwar và nghị lực phi thường của họ khi chấp nhận bỏ quá khứ để đi chung con đường với Dr Mahathir Mahamad đến với mục đích chung là thay đổi chính thể ngày càng mục nát của UMNO dưới thời Najib Razak.

Về phía Dr Mahathir, sự thay đổi trong ông cũng không hề nhỏ. Ông chính là người ủng hộ nhiệt thành chính sách kinh thế mới (New Economic) của những năm 70s, một chính sách công khai thiên vị hay ưu đãi những người Malay bản xứ và chủ trương bảo hộ các ngành kinh tế nội địa chống lại xu hướng toàn cầu hóa.

Trong khi Anawar có khuynh hướng thoáng hơn và chủ trương xây dựng một Malaysia bình đẳng về quyền lợi, cơ hội và kiên quyết chống tham nhũng, chống tệ nạn “con ông cháu cha” trong UMNO và hướng tới một XH công bằng cho mọi chủng tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng của ông sau này khi ông dời bỏ UMNO được đặt tên là Đảng Công Lý (Justice Party).

Ngoài ra, Anwar còn là người chủ trương giảm bớt bảo hộ, trung thành với quy luật kinh tế thị trường, điều mà ông Mahathir luôn có ác cảm sâu sắc. Tài năng của Anwar đã được khẳng định hơn nữa khi ông được cử làm Bộ trưởng Tài chính, và đặc biệt qua cuộc khủng hoảng tài chính của những năm cuối ‘90s. Ông đã liên tiếp nhận được sự công nhận của các chuyên gia và báo giới, và trở thành một ngôi sao nổi bật trong chính trường Malaysia, đe dọa làm lu mờ chính bản thân Mahathir.

Sự khác biệt về chủ trương chiến lược, triết lý kinh tế, XH, sự cạnh tranh âm thầm về uy tín và sự công nhận của dư luận của hai người đàn ông quyền lực đã không thể tìm một lối thoát nào khác hơn là một bản án nặng nề cho tội “quan hệ đồng tính”, một tội không tồn tại trong một thế giới văn minh. Ông Anwar đã phải vào tù và ông Mahathir yên tâm rời chính trường về hưu, trong khi ông Answar đang thụ án 5 năm.

Ngày hôm qua, đã có thông báo chính thức, Anwar Ibrahim, cựu phó thủ tướng dưới thời Dr Mahathir Mohamad đang chịu án tù về tội “đồng tính luyến ái” lần thứ hai dưới thời cựu thủ tướng Najib Razak đã được nhận ân xá từ nhà vua theo lời thỉnh cầu của Tân Thủ tướng Dr Mahathir, và sẽ được thả vào ngày thứ Ba tới.

Cùng ngày, Tân Thủ tướng Mahathir đã thông báo với báo giới rằng ông đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với vợ chồng cựu thủ tướng Najib Razak và dinh cơ của gia đình, cũng như thân nhân của vợ chồng ông Najib Razak đã bị khám xét với nhiều tài liệu bị niêm phong.

Để hiểu được những thay đổi sét đánh, đầy kịch tính nói trên, cần nhìn sâu hơn vào tình hình chính trị-xã hội Malaysia, những khía cạnh có tác động trực tiếp tới cuộc tổng tuyển cử thứ 14 này.

Bối cảnh của nhũng năm cuối thập kỷ 2010s mang lại những thách thức không hề đơn giản. Chính quyền, vẫn dưới sự kiểm soát của UMNO trong liên minh Barisan Nasional và lãnh đạo bởi một thái tử đảng Najib Razak, đã gây nên sự bất mãn chưa từng có trong XH Malaysia. Nạn tham nhũng trở nên trầm trọng. Sự lạm dụng quyền lực bè phái trong Đảng, mua bán chức quyền xảy ra ngang nhiên.

Trong 1 bài posting trên mạng XH Facebook, cô Azrene Ahmad, con riêng của bà Rosmah, vợ cựu thủ tướng Najib, đã mô tả chi tiết cuộc sống trong gia đình ông cựu thủ tướng và bản “cáo trạng” với gần 100,000 người likes và 73,000 người share lại không thể hùng hồn hơn.

Cô viết “...Tôi đã chứng kiến ​​nhiều sự xâm nhập, giao dịch và bắt tay hai con người này (mẹ cô và cha dượng) được tạo ra vì lợi ích của quyền lực và thúc đẩy sự thèm khát của họ đối với lòng tham. Tôi đã chứng kiến các giao dịch phụ được thực hiện phía sau của cha dượng tôi. Số tiền trong cặp trao đổi qua tay và được chi tiêu như nước, không vì lợi ích của người dân, mà để mua đồ trang sức, hối lộ của các quan chức và được sử dụng trong việc theo đuổi để đạt được nhiều quyền lực hơn... Nhiều tài khoản nước ngoài mở ra để rửa những khối tiền được mang ra khỏi đất nước, nhằm phục vụ cho nhu cầu chi tiêu cá nhân của họ. Két sắt chứa đầy đồ trang sức, đá quý và tiền mặt...”

Mặc dù theo chỉ số trong sạch của Transparency International (Cơ quan Theo dõi Tham nhũng Quốc tế), thứ bậc của Malaysia không hề tệ 62/180, ngang với Cu Ba và hơn hẳn các nước láng giềng (Thailand 96, Philippins 111, Indonesia 96), kém mỗi Singapore(đứng thứ 6), nhưng người dân Malaysia cũng không lạ lẫm gì với những vụ bê bối liên quan tới các phi vụ làm ăn của các tập đoàn tư nhân với các công ty có liên quan tới chính phủ (GLCs).

Ngay cả dưới nhiệm ký trước của Dr Mahathir Mohamad, những vụ thất thoát hàng tỷ MR (1MR = 0.25 US$), như vụ Perwaja Steel (1982), vụ Bank Negara Forex (1990s) hay Port Klang Free Zone... Nhưng vụ bê bối 1MDB từ 2015 đã nâng mức độ nghiêm trọng, trắng trợn lên 1 nấc thang mới cả về quy mô của thất thoát và vị trí của những người nhúng tràm.

1MDB là một quỹ quản lý tài chính của nhà nước và trong thời gian vận hành, đã gây ra món nợ 43 tỷ MR và nghiêm trọng hơn là có bằng chứng cho thấy chính cựu thủ tướng Najib Razak đã dính líu trực tiếp khi chuyển khoản thẳng từ tài khoản của 1MDB gần 700 triệu US$ sang tài khoản cá nhân của mình. Có thể đây mới là giọt nước tràn ly, nguyên nhân chính dẫn tới sự bất mãn cao độ của dân chúng đối với UMNO nói chung, và vợ chồng Najib nói riêng.

Đối với những người dân thường của Malaysia, sự chán ghét đến tận cùng với sự ngạo mạn, coi thường người dân của đảng cầm quyền đã kéo họ tới các hòm phiếu với con số kỷ lục hơn 14 triệu cử tri bỏ phiếu tự nguyện (Malaysia có chính sách bầu cử không bắt buộc), ngày 9/5 sẽ đi mãi vào lịch sử Malaysia không kém gì một cuộc cách mạng thành công.

Vai trò lãnh đạo và những quyết định đầy đạo nghĩa của ông Mahathir đáng để ngưỡng mộ. Ông đã phải cắn răng rời bỏ một đảng mà ông đã phụng sự suốt cả sự nghiệp và cống hiến cả tuổi trẻ của mình, nhưng đang thoái hóa, tham nhũng và ngày càng xa rời quần chúng, đi chệch hướng với lý tưởng ban đầu.

Ông cũng phải phản lại người học trò ông đã từng vun trồng để trở thành người kế tục, người con ruột của thầy ông, cố thủ tướng Abdul Razak, người đã đưa ông vào 1 chức vụ trong nội các lần đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình năm 1974.

Việc trung thành với lý tưởng xây dựng Malaysia vững mạnh, tự lực tự cường với một chính phủ trong sạch, đã đưa ông tới với vợ chồng Anwar Ibrahim và Dr Wan Azizah, những người mà ông đã từng ghét cay ghét đắng. Nhưng ở họ, ông nhìn thấy cái tâm, sự hi sinh cao cả cho lý tưởng xây dựng đất nước Malaysia như của ông, và ở họ ông còn tìm thấy lòng vị tha vô bờ bến. Họ cũng vì lý tưởng mà tha thứ cho ông, người đã đầy đọa gia đình họ, và nhiều lúc tưởng như đã phá tan sự nghiệp chính trị của họ.

Ông biết con đường của chính phủ mới còn dài mà thời gian của ông không còn nhiều. Chính vì thế ông đã cam kết với cử tri là ông chỉ giữ chức thủ tướng 2 năm rồi sau đó sẽ nhường lại vị trí cho ông Anwar Ibrahim, việc mà lẽ ra ông đã làm từ năm 2003.

Bài học mà ông để lại sẽ là chủ đề tranh luận, nghiên cứu cho những hậu thế, đó là lý tưởng mới là đích đến cuối cùng, và đảng phái chính trị chỉ là phương tiện để đưa người ta đến với lý tưởng đó. Một khi phương tiện đó trở nên lỗi thời, cản trở con đường đi tới, người quân tử cần biết phải dẹp bỏ nó tìm những phương tiện khác để đi lên. Hơn nữa, khi chọn những người đồng hành với mình đi tới đích cuối cùng, phải biết chấp nhận sự khác biệt tìm cái chung để gắn bó, đó là đích đến cuối cùng.

Minh Nguyễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dr Mahathir Mohamad thắng cử - không chỉ là chiến thắng của một ông già