Nói về thực hiện dự án vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn phải đối mặt như GPMB, vật liệu xây dựng, nguồn tiền thực hiện...

Dự án vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô: Tiền đâu thực hiện?

Lam Thanh | 05/05/2022, 11:37

Nói về thực hiện dự án vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn phải đối mặt như GPMB, vật liệu xây dựng, nguồn tiền thực hiện...

Cơ chế đặc thù thực hiện thế nào?

Tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, 85.813 tỉ đồng (hơn 3,7 tỉ USD), chia thành 3 nhóm dự án thành phần.

Trong đó nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận.

Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỉ đồng, quy mô rất lớn.

"Chúng tôi nhận thức khó khăn cho cả 2 khu vực vốn ngân sách Trung ương và địa phương nay đã được cân đối tương đối hoàn chỉnh của đầu tư công trung hạn Trung ương 2021-2025; đối với Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỉ đồng; đối với 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phải cân đối trên 28.000 tỉ đồng, cơ cấu tương đương Trung ương, trong đó Hà Nội là chủ yếu, tiếp đó đến Bắc Ninh và Hưng Yên", ông Tuấn cho hay.

Đối với 3 địa phương triển khai dự án đường song hành dưới thấp, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Đối với dự án PPP-BOT quy mô 29.410 tỉ đồng, phải triển khai xong vào năm 2025.

gtvt2.jpg
Các khách mời tại tọa đàm

Trong khi đó, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho rằng 2 tuyến đường này thuộc 2 vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương có nguồn thu lớn, có điều tiết về ngân sách Trung ương. Duy nhất có tỉnh Long An chưa tự cân đối được ngân sách”.

Theo đó, Nghị quyết 29 của Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có tổng vốn là 2,87 triệu tỉ đồng, ngân sách Trung ương là 1.500 triệu tỉ đồng, ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỉ đồng.

Ở mức độ ngoài 10%, đã phân bổ cho bộ ngành và địa phương, ngoài ra có phần để lại chưa sử dụng, vừa rồi đã tập trung cho 2 tuyến đường này. Ở đây, đã cam kết đối với phần ngân sách Trung ương. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương.

Về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và địa phương, Quốc hội sẽ cho cơ chế.

“Thực tế, Luật Ngân sách đã ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương để trình Bộ Chính trị, trong đó đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật Ngân sách Nhà nước, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay”, ông Đức nói.

Về lo ngại phần lớn các dự án cao tốc khó có thể giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư trong một kỳ trung hạn, ông Dương Bá Đức cũng nhìn nhận đây là mấu chốt, lo lắng cho các địa phương.

“Cơ chế đặc thù đã ra nhưng tổ chức thực hiện như thế nào. Hiện nay hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, cơ bản, nếu cơ chế đặc thù Quốc hội ra thì sẽ nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Nguồn vốn chắc chắn khi cam kết, Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm. Vấn đề là tổ chức triển khai như thế nào?

Bây giờ chỉ còn tổ chức thực hiện, tạo sức ép cho địa phương. Chúng ta không còn đường lùi, đã cam kết và báo cáo Quốc hội trong năm 2021-2025 phải cơ bản hoàn thành do đó không thể có chuyện bố trí nguồn lại kéo dài tiếp”, ông Đức nhấn mạnh.

Nguồn cung vật liệu là vấn đề quan trọng

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhìn nhận, trong triển khai các dự án, vấn đề lớn là nguồn cung cấp vật liệu. Vấn đề này tác động rất lớn đến tiến độ, chất lượng dự án. Theo đó, trong quá trình triển khai, chúng tôi thấy phải có giải pháp hết sức cụ thể.

Ông Thọ cho rằng, trong quá trình lập dự án, cho phép tiến hành song song việc điều tra các mỏ vật liệu và lập hồ sơ mang tính chất độc lập nhưng là bộ phận không thể thiếu được của dự án. Đồng thời cho phép bổ sung nội dung công việc vào đề cương nhiệm vụ và dự toán, giao cho ban quản lý cùng với tư vấn thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, có sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư, ban quản lý dự án đối với tư vấn điều tra khảo sát vật liệu, tránh trường hợp địa phương cung cấp hồ sơ quy hoạch, hồ sơ mỏ vật liệu, tư vấn khảo sát điều tra không kỹ lưỡng dẫn đến khi tổ chức triển khai thi công bị vướng rất nhiều. Hiện nay giai đoạn 1 đang bị vướng.

toa-dam-4.jpeg
Tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá”

Trong quá trình làm, chia thành 2 bước.

Bước thứ nhất, đề nghị các địa phương trên cơ sở quy hoạch, giới thiệu địa điểm mỏ vật liệu, tư vấn cùng với ban quản lý dự án nghiên cứu kỹ. Sau đó tiến hành khảo sát chi tiết thực tế và làm việc với chính quyền các địa phương để chốt lại về vị trí mỏ, trữ lượng mỏ, quy mô mỏ, những mỏ nào đang khai thác, mỏ nào có trong quy hoạch, mỏ nào chưa có trong quy hoạch nhưng đủ các điều kiện tiêu chuẩn để cung cấp cho dự án, rồi cự ly vận chuyển để tối ưu nhất.

Bước hai, từ số liệu điều tra khảo sát, chúng tôi đề nghị với tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với huyện, xã, ban quản lý dự án xem xét lại hồ sơ một lần nữa thật kỹ lưỡng, rồi trình với UBND tỉnh về chủ trương này. Sau đó, Bộ GTVT và tỉnh làm việc cụ thể, chi tiết rồi mới quyết định đưa số liệu hồ sơ vào dự án.

Một vấn đề nữa là trách nhiệm của các cơ quan cần được làm rõ, đặc biệt với cấp chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về giá cả, tránh trường hợp găm giá, ép giá, gây cản trở cho những nhà thầu, nhà đầu tư trong vấn đề khai thác. Tất cả đã quy định rõ trong hồ sơ về trách nhiệm. Sau này bên nào thực hiện không đúng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô: Tiền đâu thực hiện?