Việc Hà Nội sẽ cấm cà phê và chụp ảnh ở đường tàu đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc nếu khu vực này không còn được kinh doanh, buôn bán và chụp ảnh.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Cục đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo các quận kể trên xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người dọc đường sắt để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê.
Các quận cần tuyên truyền pháp luật về đường sắt với người dân cũng như thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp, các hộ dân khi xây dựng khu dân cư, nơi buôn bán để không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Bộ giao lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xử lý, giải tỏa dứt điểm các điểm họp chợ, buôn bán hàng rong trong lòng đường sắt; quản lý chặt chẽ việc cấp đất cho cá nhân, tổ chức dọc hành lang đường sắt để đảm bảo an toàn. Nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tự mở lối đi, tái lấn chiếm đường sắt, phải xử lý nghiêm cán bộ địa phương trực tiếp quản lý.
Việc Hà Nội sẽ cấm cà phê và chụp ảnh ở đường tàu đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc nếu khu vực này không còn được kinh doanh, buôn bán và chụp ảnh nữa.
Theo một người bán hàng rong ở khu vực, địa điểm này tập trung đông đảo cả khách Việt Nam lẫn du khách nước ngoài và lượng người nước ngoài có xu hướng tăng lên. Cà phê đường tàu chỉ mới được vài năm. Lượng khách đông nhất vào buổi tối và thứ 7, chủ nhật.
Theo người dân này, điểm thu hút khách nhất ở đây có lẽ là cuộc sống mưu sinh, văn hóa lịch sử của Hà Nội. Cái hay nhất là người ta có thể ngắm tàu và trò chuyện, dùng cà phê.
“Nói chung là họ cũng lo cho tính mạng của mình, khi tàu gần đến thì họ cũng nhanh chóng chạy vào. Thực ra cũng không phải là nguy hiểm, vì mỗi gia đình sẽ cử một người để báo hiệu cho du khách trước 10 phút trước khi tàu chạy qua. Những người báo hiệu đấy toàn là dân mình thôi. Đến tầm 2-3 sáng thì tự người tham quan phải bảo vệ tính mạng của họ. Từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào đáng tiếc cả”, người bán hàng nói.
Bạn Nguyễn Hoài Phong chia sẻ, trước đây, chỉ có một hai nhà mở hàng cà phê thôi, dần dần có nhiều khách Tây thì mọi người mới mở nhiều ra thế này. Khi có những quán cà phê này, thì chủ quán sẽ có trách nhiệm bảo vệ khách hàng và những người ở đây. Người dân ở đây luôn để ý tàu tới để thổi còi cảnh báo. Họ tự sắm những chiếc còi để mọi người vào trong khi tàu đến, cố gắng đảm bảo an toàn cho mọi người.
“Nếu dẹp nơi này đi, thì du khách các nước khác họ vẫn sẽ đến, tuy nhiên là mất công, bởi khi đã nhiều người biết đến thì phải mất một khoảng thời gian dài để mọi người quên nó đi”, Long nói.
Trả lời phóng viên, một du khách nước ngoài cho hay, nếu nơi này không còn thì điều đó rất tệ, vì không có nơi nào như thế này cả.
“Tôi đã hai lần đến Việt Nam và đều ghé qua phố này. Có rất nhiều người tốt ở đây và tôi thích nơi này. Ở đây có những người bạn dùng chung ngôn ngữ tiếng Anh như từ Pháp, châu Âu nên rất hiểu nhau vì thế tôi có thể kết bạn. Tôi có thể nói xin lỗi, làm ơn bằng tiếng Việt.
Cảm giác khi tàu đi qua rất thích thú và tuyệt vời, lần nào tôi cũng dùng điện thoại lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời đó. Ở các nước như châu Âu, Mỹ hay nhiều nước khác trên thế giới, địa điểm này rất nổi tiếng.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo điện tử Một Thế Giới ghi lại:
Bài và ảnh: Lê Hòa