Hiện nay, TP.HCM có khoảng 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng. Ngành du lịch vì vậy cũng “đóng băng” vì dịch.
Ngày 28.8, thông tin Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND vừa giao Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch về hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay theo 2 kịch bản.
Đối với kịch bản 1, nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 9.2020, Sở Du lịch đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng,
Song song đó là giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ internet…; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong vòng 1 năm để có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, cũng như hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và hoạt động kinh doanh lữ hành không phép; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành hoàn trả tiền đặt cọc vé máy bay đối với các thông báo hủy trước trong khoảng thời gian hợp lý.
Đối với kịch bản 2, dịch bệnh kéo dài đến hết quý 4/2020, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất các giải pháp như: tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch để duy trì và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động nhằm tái khởi động ngành du lịch khi dịch bệnh được khống chế; tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi công nghệ số với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nghiệp ngành du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc thường trực Sở Du lịch TP.HCM, giai đoạn bình thường mới từ tháng 5 đến tháng 7, TP.HCM có khoảng 35-40% doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại. Ngành du lịch TP.HCM bước vào giai đoạn phục hồi, đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa, tổ chức ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 16...
Thời gian này, hoạt động của doanh nghiệp du lịch bắt đầu khởi sắc, các doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn dự trữ còn lại tái khởi động thông qua triển khai các chương trình kích cầu du lịch. Tuy nhiên, từ ngày 25.7, dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành vừa mới phục hồi.
Đánh giá sơ bộ từ phía các doanh nghiệp lữ hành cho thấy đa số khách hàng đã hủy các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tuyến du lịch miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cho đến tháng 9.2020.
Mỗi ngày, các doanh nghiệp lữ hành chỉ phục vụ vài đoàn khách, chủ yếu di chuyển bằng đường bộ đến các địa phương không có người nhiễm COVID-19 và gần thành phố như Vũng Tàu, Phan Thiết và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số lượng tour tổ chức chỉ bằng 3 - 5% số chuyến so với dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vay vốn, tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ… Hiện tại, chỉ có khoảng 7/50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện trong ba tháng 5, 6 và 7.2020. 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên cũng được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí.
Đến thời điểm hiện nay, TP.HCM đã có khoảng 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng; nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương.
Trước đó, Sở Du lịch TPHCM cũng có đề xuất gửi Bộ Văn hóa -Thể thao -Du lịch chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp theo hai kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số nội dung trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Phan Diệu