Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau không ngừng đổi mới, cải tiến các loại hình du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan. Trong đó, du lịch trải nghiệm là loại hình rất được khách du lịch lựa chọn.
Thu hút du khách
Lần đầu tiên vào Cà Mau tham quan du lịch, ông Trần Thanh Hùng (50 tuổi), du khách đến từ Thanh Hóa thật bất ngờ trước vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất phù sa này. “Đây là lần đầu tiên tôi đến Cà Mau thông qua những lời giới thiệu của bạn bè. Đến đây mới thấy vùng đất, con người nơi đây rất hào sảng và mến khách. Không khí rất trong lành, bình yên, được trải nghiệm các hoạt động thực tế như lội bùn bắt ba khía, bắt nghêu, câu cá thòi lòi, xổ vuông bắt tôm cá..., toàn là những công việc thường nhật của người dân bản xứ làm tôi nhớ lại bao ký ức của tuổi thơ ngày nào. Đây là những hoạt động rất thú vị, đặc biệt các món ăn của địa phương được chế biến rất hợp khẩu vị của gia đình tôi, là những hải sản tươi sống nhưng giá cả rất bình dân. Tôi sẽ cùng người thân, bạn bè còn trở lại nơi đây nhiều lần nữa”, ông Hùng cho biết.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có rất nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch công đồng thu hút nhiều lượt khách tham qua. Trong đó, phải kể đến các khu du lịch Hương Tràm, Sông Trẹm (huyện U Minh); đầm Thị Tường (thuộc 3 huyện Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời); mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển)... Những năm qua, ngành du lịch địa phương không ngừng đổi mới, cải tiến các loại hình du lịch, cũng như tập huấn cho nhân viên các khu du lịch về thái độ phục vụ khách tham quan... nhằm hướng đến mục tiêu “lấy khách du lịch làm trung tâm” để ngành du lịch Cà Mau trở thành điểm đến tham quan lý tưởng của khách thập phương.
Chị Nguyễn Ngọc Hằng (35 tuổi), du khách đến từ Tây Ninh kể chị đến Cà Mau nhiều lần, điều lắng đọng níu chân chị chính là cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. “Không khí Cà Mau rất mát mẻ, dễ chịu. Nó không ồn ào như những nơi khác, về Cà Mau với tôi như về nhà của mình, một cảm giác rất yên mình. Đặc biệt, người Cà Mau rất hiếu khách, thấy khách đến họ tiếp đón rất ân cần, nhiệt tình giống như kiểu đón tiếp người thân lâu ngày mới về vậy. Trải nghiệm tour du lịch xuyên rừng rất thú vị, được đi trên ca nô lướt qua dòng kênh rạch ở trong rừng và nhìn những cánh rừng đước thẳng tắp bao bọc lấy mảnh đất phù sa giúp các loài thủy sản dưới tán rừng sinh trưởng, phát triển khiến tôi yêu quý mảnh đất này hơn”, chị Hằng nói.
Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Hiển cho biết những loại hình du lịch thu hút nhiều khách du lịch nhất ở địa phương hiện nay là trải nghiệm bãi nghêu, tour xuyên rừng tại khu du lịch Mũi Cà Mau. Bình quân mỗi tháng địa phương thu hút khoảng 5.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. “Để thu hút khách đến địa phương, ngành văn hóa - du lịch địa phương đã tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu các loại hình du lịch qua nhiều kênh thông tin như trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện; hệ thống truyền thanh, và nhiều nhất là mạng xã hội như Zalo, Tiktok, Facebook...”, ông Thắng nói.
Tiềm năng du lịch từ hệ sinh thái rừng
Ngoài việc tạo sinh kế cho người lao động bằng nguồn lợi đa dạng, thì hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau còn giúp người dân “hái ra tiền” từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hình thức du lịch này đã và đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực mũi Cà Mau hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Lập ngụ huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng, không chỉ có nguồn lợi dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nơi đây, còn là nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật quý hiếm như rái cá, rắn hổ mang, khỉ... sinh sống và phát triển an toàn. Đặc biệt, với hệ sinh thái màu mỡ vốn có, nên nhiều du khách rất thích đến mũi Cà Mau tham quan, trải nghiệm, nhất là hoạt động xuyên rừng, xổ vuông, lội bùn bắt cua, câu cá thòi lòi...”.
Ông Lê Minh Tỵ làm việc tại trạm dừng chân Tư Tỵ ở huyện Ngọc Hiển cho hay: “Tận dụng lợi thế từ rừng, tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh lĩnh vực du lịch. Đến đây, ngoài được thưởng thức các món ăn dân dã, đậm vị phù sa, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như xổ vuông, giăng lưới, câu cá... rồi đem những con cá, con tôm bắt được tự chế biến món ăn mình thích ngay tại vuông. Rất nhiều du khách yêu thích, lựa chọn hoạt động này”.
Nói về tiềm năng, thế mạnh của hệ sinh thái rừng, ông Lê Chí Thắng cho biết thêm: “Ngọc Hiển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế. Để phát huy lợi thế đó, thời gian qua huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như mở tour xuyên rừng (tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái biển, tham quan động thực vật sống dưới tán rừng…). Đồng thời, chúng tôi phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm hấp dẫn (tổ chức cho du khách khám phá hệ sinh thái rừng trong vuông tôm, giăng lưới, đặt lợp cua, xổ vuông tôm…)”.
Theo ông Thắng, địa phương luôn phát huy tiềm năng, đẩy mạnh việc mời gọi, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh (kể cả nước ngoài) đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.