Làn sóng AI tạo sinh thứ hai đang là một chủ đề nóng, khi các doanh nghiệp cùng hướng đến phát triển và hòa mình vào dòng chảy công nghệ mới này. Tuy nhiên, để ứng dụng AI tạo sinh hiệu quả vào mô hình kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp và tổ chức cũng đối mặt không ít khó khăn.
Kinh tế số

Đưa AI tạo sinh đến gần hơn với thực tiễn của doanh nghiệp Việt

Nguyễn Lê 15:47 06/11/2024

Làn sóng AI tạo sinh thứ hai đang là một chủ đề nóng, khi các doanh nghiệp cùng hướng đến phát triển và hòa mình vào dòng chảy công nghệ mới này. Tuy nhiên, để ứng dụng AI tạo sinh hiệu quả vào mô hình kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp và tổ chức cũng đối mặt không ít khó khăn.

AI tạo sinh (Generative AI) là một nhánh đặc biệt của trí tuệ nhân tạo (AI), nằm trong lĩnh vực học máy (Machine Learning), đã trở thành tâm điểm của ngành công nghệ trên thế giới trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đang tích cực đầu tư và phát triển công nghệ AI trong những năm gần đây.

pi1c.jpg
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang tận dụng AI như ChatGPT để cải thiện sự tương tác với khách hàng

Theo báo cáo mới nhất về tình hình ứng dụng AI tại Việt Nam của FPT Digital, nhiều doanh nghiệp đang tận dụng AI như ChatGPT để cải thiện sự tương tác với khách hàng và xây dựng các chiến dịch marketing hiệu quả hơn. Thị trường AI tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 30% từ 2020 đến 2025, với giá trị thị trường ước tính đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.

Trong làn sóng đầu tiên của AI tạo sinh, các ứng dụng đã chứng tỏ sức mạnh của mình như những trợ lý thông minh, có khả năng giao tiếp và cung cấp phản hồi gần như con người, giúp cá nhân cải thiện hiệu suất làm việc.

Đến làn sóng thứ hai, AI tạo sinh sẽ đi sâu hơn vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp như dự đoán xu hướng thị trường, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định. Tuy nhiên, việc áp dụng AI vẫn đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.

Theo nhận định của ông Phạm Gia Dân, Giám đốc kinh doanh công nghệ của Infobip tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi triển khai AI, đặc biệt là AI tạo sinh là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn, khi các kỹ sư có kiến thức về công nghệ như học sâu (Deep Learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đang rất khan hiếm; đồng thời vấn đề tài chính cũng gây áp lực, khi chi phí nâng cấp hạ tầng và mua phần mềm thường vượt quá khả năng của các doanh nghiệp SMEs và start-up.

Nhiều doanh nghiệp cũng chưa đủ khả năng công nghệ để xử lý khối lượng dữ liệu lớn, và họ cũng ngần ngại khi đầu tư vào AI do lo ngại về hiệu quả và lợi nhuận.

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa đất nước trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới, theo Quyết định số 127/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển AI đầy tham vọng của mình, Việt Nam phải giải quyết một số thử thách, bao gồm:

Tài nguyên hạn chế: Các doanh nghiệp SMEs và start-up thường gặp khó khăn trong việc đầu tư vào hạ tầng AI do chi phí ban đầu cao như mua dịch vụ đám mây, đào tạo nhân viên và nâng cấp hệ thống.

Thiếu hụt kỹ năng và đào tạo: Các giải pháp AI yêu cầu lực lượng lao động có kỹ năng cao, nhưng sự khan hiếm chuyên gia khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặc dù một số nhà cung cấp AI có hỗ trợ đào tạo, các công ty nhỏ vẫn khó phát triển chuyên môn nội bộ cần thiết.

Áp lực cạnh tranh: Các SMEs và start-up cũng phải đối mặt với áp lực từ các tập đoàn lớn có ưu thế về nguồn lực và công nghệ. Những doanh nghiệp lớn này dễ dàng đổi mới và áp dụng các giải pháp AI tiên tiến, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong các lĩnh vực như tự động hóa dịch vụ khách hàng và phân tích dự đoán.

Những điều kể trên buộc các doanh nghiệp nhỏ phải tìm ra những cách thức phù hợp hơn để triển khai AI, dù không có sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ như các đối thủ lớn.

Để làm quen với ứng dụng AI tạo sinh, các doanh nghiệp có thể bắt đầu sử dụng nền tảng truyền thông như một dịch vụ (CPaaS) để cải thiện khả năng giao tiếp với khách hàng trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Với sự hỗ trợ của nền tảng truyền thông đa kênh này, gánh nặng kỹ thuật được giảm thiểu đáng kể nhờ khả năng tích hợp AI tạo sinh vào các kênh giao tiếp. Điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, vì họ không cần đầu tư quá nhiều nguồn lực ban đầu.

“Việc sử dụng kết hợp đa kênh còn giúp cá nhân hóa các cuộc trò chuyện với khách hàng, từ đó đáp ứng được nhu cầu của từng người. Đồng thời, ứng dụng chatbot AI tạo sinh để tư vấn và hỗ trợ khách hàng cũng là một điểm mạnh để tăng hiệu quả làm việc của doanh nghiệp. Với một nền tảng đám mây truyền thông hàng đầu thế giới như Infobip, tất cả những lợi ích kể trên đều khả thi nếu doanh nghiệp tìm hiểu về truyền thông đa kênh trên một nền tảng”, ông Dân cho biết.

Trong tương lai, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các start-up tại Việt Nam có thể ứng dụng hiệu quả AI tạo sinh, việc đầu tiên là cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ và sử dụng những nền tảng như CPaaS.

Sự phát triển của hệ sinh thái AI tạo sinh tại Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng nhờ vào sự thúc đẩy chuyển đổi số từ Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Dân nhấn mạnh AI tạo sinh nói riêng, và AI nói chung đây là yếu tố "cốt lõi" trong sự chuyển dịch mà Việt Nam đang hướng tới. Dự báo trong thời gian tới, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các giải pháp kỹ thuật và sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp, AI tạo sinh tại Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Cà Mau
25 phút trước Sự kiện
Chiều 16.11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường 1, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa AI tạo sinh đến gần hơn với thực tiễn của doanh nghiệp Việt