Trong hai năm tới, Đức sẽ điều tra "lý lịch" của hơn 1.000 sọ người, nhằm có thể biết cội nguồn của chúng trước khi có thể trả chúng về miền đông châu Phi.
Nơi thực hiện dự án này là Quỹ di sản văn hóa Phổ. Chủ nhiệm Hermann Parzinger nói: “Nay chúng tôi tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh nguồn gốc của các sọ này. Rồi chúng tôi sẽ cùng các nước gốc quyết định cách giải quyết vấn đề này.
Vào những năm 1907 - 1908, các đoàn thám hiểm đã chuyển số sọ từ những nước châu Phi từng là thuộc địa Phổ (Đức ngày nay) về Phổ, để nhà nhân chủng học Felix von Luschan - chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người - tiến hành “nghiên cứu khoa học chủng tộc”.
Nhưng sau hàng chục năm và Đức sa vào hai cuộc chiến tranh thế giới, bộ sưu tập trên được cất giữ kỹ.
Năm 2011, cuối cùng bệnh viện Charité ở thủ đô Berlin chuyển số sọ cho Quỹ di sản văn hóa Phổ, nơi điều hành nhiều bảo tàng, thư viện, cơ quan tàng thư và viện nghiên cứu ở Berlin.
Ông Bernhard Heeb là trưởng dự án nghiên cứu, nói số sọ ở điều kiện rất xấu khi Quỹ nhận chúng. Họ phải mất nhiều năm để lau chùi sạch, xếp các mảnh lại với nhau, lập một nhà kho và phân loại số sọ theo vùng địa lý.
Hầu hết giấy tờ tư liệu của số sọ đã bị mất, nên đầu mối tốt nhất cho các nhà nghiên cứu chính là các ghi chú được viết thẳng lên số sọ này.
Đa số sọ được đánh dấu đã được lấy từ các cựu thuộc địa của Đức ở Đông Phi, gồm 986 sọ ở Rwanda, 41 sọ từ Tanzania, 4 sọ từ Burundi và 54 sọ khác chỉ đánh dấu Đông Phi.
Nhà nghiên cứu Heeb nói: “Những gì chúng tôi sẽ làm là lập một mạng lưới với các đồng nghiệp ở Tanzania, Rwanda, Burundi để cùng nghiên cứu nguồn gốc của các vật này”.
Đại sứ Igor Cedar của Rwanda tại Đức, nói nước ông mãi đến nay mới biết về số sọ người này: “Một trăm năm đã trôi qua mà chúng tôi không hề biết gì”.
Ông cũng lưu ý rằng thời xưa, ở Rwanda không hề có nghĩa trang. Xác người được chôn gần nhà họ. Ông nói: "Khi nghe nói 1.000 sọ, câu hỏi đầu tiên là làm cách nào mà người ta có thể lấy được chừng đó sọ?”
Vị đại sứ nói chưa thể khẳng định Rwanda có yêu cầu trả lại số sọ hay không: “Các sọ đang ở đây, chẳng đi đâu cả. Họ đã chờ đợi 100 năm nay. Hiện quan tâm của chúng tôi là biết câu chuyện đàng sau số sọ này. Và khi nào biết chính xác, chúng tôi sẽ nghĩ cách giải quyết tốt nhất”.
Vài năm gần đây, Đức đã trả 20 sọ cho các bộ tộc thổ dân Namibia. Số sọ nằm trong nhóm ước tính 300 sọ đem về Đức, sau một cuộc thảm sát thổ dân Namibia nhân một vụ nổi loạn chống thực dân đô hộ ở Namibia (lúc đó có tên Tây Nam Phi) do Berlin đô hộ từ năm 1884 đến năm 1915.
Số sọ nằm phủ bụi trong các cơ quan tàng thư Đức đến năm 2008, khi hãng tin ARD cho biết chúng vẫn còn trong Bảo tàng lịch sử y khoa ở bệnh viện Charite, và ở đại học Freiburg (tây nam Đức). Từ đó, chính phủ Namibia đã liên lạc để thu hồi số sọ này về nước.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)