Để kiếm sống, nhiều người dân các huyện ven biển tỉnh Cà Mau mưu sinh bằng nghề đục hàu. Nghề này, dẫu cực nhọc, vất vả nhưng cho thu nhập khá cao.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Đục hàu - nghề mưu sinh ở Cà Mau

Trần Khải 31/10/2024 09:52

Để kiếm sống, nhiều người dân các huyện ven biển tỉnh Cà Mau mưu sinh bằng nghề đục hàu. Nghề này, dẫu cực nhọc, vất vả nhưng cho thu nhập khá cao.

Sáng sớm, vừa thức dậy chưa lâu, anh Hai Dũng (Ngô Chí Dũng, ngụ huyện Ngọc Hiển) gọi vợ nấu cho anh gói mì tôm ăn lót dạ để chuẩn bị đi làm việc. Gọi là “làm việc” cho oai, chứ thật nghề của Hai Dũng là đi đục hàu, bắt ba khía, ốc len kiếm sống.

Hai Dũng trải lòng, ngày xưa mê chơi, ít học, giờ lao động chân tay nên cảm thấy vất vả. Dẫu cực, nhưng vì trách nhiệm với gia đình nên phải cố gắng vì tương lai của con cái. “Giờ vợ con đuề huề, đâu mãi lêu lổng rong chơi như trước. Nghề của anh suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có hôm nắng cháy da, nám mặt mũi nhưng vẫn phải làm. Với anh, còn sức là còn làm. Làm để có tiền”, Hai Dũng nói.

hau.jpg
Đục hàu, bắt vọp, ốc len là công việc hằng ngày của nhiều người dân ở khu vực ven biển Cà Mau

Ăn sáng xong, Hai Dũng vớ ly trà đá vợ đã để sẵn, uống vội. Rồi anh mặc vội bộ đồ rất “phèn” (bộ đồ cũ đã ố vàng do tiếp xúc nhiều với nước phèn mặn), chuẩn bị hành trình rong ruổi hàng giờ dưới sông rạch để đục hàu mưu sinh. “Đục hàu là nghề chính của anh, hôm nào vô mánh thì kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày, bình thường cũng đút túi 200.000 đồng. Ngày nào hết ngày ấy, tiết kiệm lắm có khi cả tháng trời dư được năm bảy trăm. Những lúc vào con nước (mỗi tháng có 2 con nước là ngày rằm và 30 âm lịch) anh đi rừng bắt ba khía, ốc len thì thu nhập cao hơn”, Hai Dũng kể.

hau-2.jpg
Hàu sinh sống bằng cách bám vào các trụ bê tông, cống xổ vuông - nơi có khu vực nước chảy

Hành trang cho một ngày làm việc của Hai Dũng đã chuẩn bị xong, gồm một cái đục bằng sắt, một cái búa, một cái bao để đựng hàu, cùng đồ ăn thức uống vừa đủ. Rồi Hai Dũng dắt chúng tôi xuống chiếc vỏ lãi (phương tiện di chuyển trên sông) nổ máy phóng vèo qua các tuyến kênh, rạch để tìm kiếm hàu. Theo kinh nghiệm của Hai Dũng, hàu sống những ở khu vực nước chảy xiết, chúng thường đeo bám vào các miệng cống vuông tôm, trụ bê tông dùng để neo đậu tàu cá ở cửa biển, bờ kè ven sông, biển…

Di chuyển tầm 30 phút đường thủy, Hai Dũng bắt đầu điều khiển vỏ lãi đi chậm, rồi dừng hẳn ở khu vực bờ kè ven biển để tìm hàu. Mùa này, miền Tây nắng mưa thất thường, có khi thấy nắng đó thì trời lại đổ mưa. Ngoài mé biển, toàn sóng với gió làm chiếc vỏ máy lênh đênh, nhấp nhô theo từng cơn sóng. Tiếng gió rì rào, kèm theo cái nắng chói chang khiến người tôi trở nên khô rát, phải uống nước liên tục.

Về phần Hai Dũng, khi vừa cập nơi “làm việc”, sau khi neo đậu vỏ máy xong xuôi, anh vội đeo vớ (tất) vào chân, đeo găng tay, rồi nhảy ùm xuống mé sông men theo những ngóc ngách của bờ kè tìm hàu để đục. Tiếng đục của Hai Dũng va vào những khối bê tông cứ vang lên chan chát, kèm theo đó là những con hàu béo ú được anh cẩn thận đục ra bỏ vào bao. “Một con, hai con, ba con…”, tiếng đếm kèm tiếng cười đắc ý của Hai Dũng khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Vì chúng tôi biết, đó là niềm vui của anh khi có được thành quả.

hau-3.jpg
Hàu có hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng

Ngâm mình dưới sông, người lấm lem bùn đất, thỉnh thoảng Hai Dũng dừng lại nghỉ một lúc rồi anh tiếp tục công việc của mình. Hai Dũng kể rằng, ngày xưa khi chưa có nhiều người hành nghề thì hàu rất nhiều, có hôm anh đục nhiều đến mức chở về không nổi. Còn giờ, giá trị hàu tăng cao nên nhiều người lựa chọn công việc đục hàu để kiếm sống, nên hàu không kịp lớn, muốn có tiền bắt buộc anh phải đi xa hơn để tìm kiếm.

“Hàu nguyên vỏ tầm 3 con/kg được vựa thu mua với giá khoảng 10.000 đồng/kg, còn hàu ruột (thịt hàu) thì giá đắt hơn, khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg. Ngày nào vô mánh kiếm được 2kg hàu ruột thì coi như hôm đó hết lo đói”, Hai Dũng bông đùa.

Sau 3 giờ hì hụp dưới mé biển, lúc này đã tầm 12 giờ trưa, nước biển bắt đầu dâng cao đến hơn nửa người khiến cho việc đục hàu trở nên khó khăn, những tiếng đếm của Hai Dũng như lúc ban đầu đã không còn nữa, trông anh mệt nhoài người. Lúc này để xua đi không khí mệt nhọc, chúng tôi hỏi anh đục sáng giờ được chục con hàu chưa? Hai Dũng phì cười đáp, chục con thì xác định hôm nay vợ con anh nhịn đói. Nhìn vào bao đựng, chúng tôi thấy đã hơn nửa bao.

hau-5.jpg
Hàu nguyên vỏ hiện được các vựa thu mua với giá khoảng 10.000 đồng/kg

“Này tầm 20kg hàu vỏ đó, đủ ăn rồi, về thôi. Đục hàu nên chọn lúc nước ròng, khi đó lòi bãi mình dễ nhìn thấy hàu, chứ nước sâu lặn ngụp nguy hiểm lắm, rất dễ bị đứt tay vì vỏ hàu rất bén”, nói rồi Hai Dũng vội tắm rửa bằng nước biển, sau đó anh phóng lên vỏ lãi nổ máy chạy một mạch về nhà, kết thúc một ngày lao động vất vả.

hau-nuong.jpg
Món hàu nướng mỡ hành rất đậm đà ngon miệng - Ảnh Internet

Hàu là sản vật có giá trị kinh tế cao nên rất được các vựa thu mua ở miền Tây săn đón để bán cho các nhà hàng, quán ăn. Hàu giàu dinh dưỡng, thịt ngọt, dai được chế biến thành nhiều món ăn như nấu cháo, nướng mỡ hành, hàu tái, xào bồn bồn… Du khách đến với Cà Mau đều không quên thưởng thức các món ăn được chế biến từ hàu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc
3 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS, CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 - 8.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đục hàu - nghề mưu sinh ở Cà Mau