Theo AFP, với quyết định ngừng sản xuất điện với than vào năm 2035, Đức đã về đích 3 năm sớm hơn so với kế hoạch trong thỏa thuận được ký kết bởi Thủ tướng liên bang Angela Merkel và lãnh đạo các bang.
Trước đó, chính phủ Đức đã lên kế hoạch ngừng sử dụng than để sản xuất điện vào năm 2038. Tuy nhiên, các quan chức tin rằng họ có khả năng kinh tế để đóng cửa các nhà máy điện gây hại cho môi trường, trước mốc đó 3 năm. Kế hoạch mới sẽ được thông qua vào đầu năm 2020.
Lịch trình chính xác ngừng hoạt động của các nhà máy điện than sẽ được trình bày vào giữa năm 2020. Sau đó, các nhà điều hành nhà máy điện và đại diện của các mỏ than phải gửi đề xuất của họ hoặc đồng ý với dự án.
Việc từ bỏ sớm các nhà máy điện than cũng sẽ cho phép cứu hầu hết khu vực rừng Hambach ở Tây Đức, nơi trước đây dự định mở rộng một mỏ than đòi hỏi phải cắt giảm một phần rừng, gây ra sự phản đối hàng loạt của người dân.
Ấn phẩm Deutsche Welle lưu ý rằng, chính phủ đang chịu áp lực mạnh mẽ từ công chúng đòi hỏi giảm lượng khí thải carbon dioxide và tuân thủ thỏa thuận khí hậu Paris. Một trong những bước để giảm khí thải là loại bỏ than - loại khoáng sản không thân thiện với môi trường nhất.
Để chuyển sang loại hình sản xuất "xanh", ngân sách liên bang sẽ phân bổ tiền cho các bang để tạo ra các nhà máy thân thiện với môi trường. Các khu vực sẽ nhận được 1,3 tỉeuro trong 20 năm và thêm 700 triệu euro sẽ được chuyển từ Berlin sang ngân sách các bang trong 20 năm tới.
Vũ Trung Hương