Trong lúc dùng cưa máy để cưa gỗ, bất ngờ 3 miếng dăm gỗ bay ra đâm vào bụng của người thanh niên.

Dùng cưa máy xẻ gỗ, bất cẩn bị dăm gỗ đâm thủng thành bụng

16/06/2020, 13:15

Trong lúc dùng cưa máy để cưa gỗ, bất ngờ 3 miếng dăm gỗ bay ra đâm vào bụng của người thanh niên.

Ba miếng dăm gỗ được lấy ra - Ảnh: Nguyễn Hồ

Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.N.Đ. (SN 1996, ngụ H.Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) nhập viện với vết thương 0,2 cm trên thành bụng. Theo thông tin từ người bệnh, khi anh đang sử dụng cưa máy để cưa gỗ thì bị dăm gỗ văng ra đâm xuyên thành bụng.

Qua thăm khám và làm siêu âm bụng, chụp CT có cản quang, các bác sĩ đã chẩn đoán có dị vật đâm xuyên da và cơ thành bụng. Người bệnh được nhanh chóng chuyển đến phòng mổ để mở rộng vết thương, thám sát lấy dị vật. Sau 30 phút phẫu thuật, êkip đã lấy ra được 3 thanh dăm gỗ dài từ 2,5 - 3 cm. Hiện tại, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt và chuẩn bị xuất viện sau hơn 1 ngày nằm viện theo dõi.

Bệnh nhân đã hồi phục sau ca phẫu thuật- Ảnh: Nguyễn Hồ

Theo Ths.BS Huỳnh Huy Cường, khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) dị vật đâm vào thành bụng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, rò mủ dẫn đến viêm phúc mạc. BS Cường cũng khuyên người dân nên có sử dụng đồ bảo hộ khi sử dụng các dụng cụ sắc, nhọn. Nếu có sự cố hoặc tai nạn xảy ra nên nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trước đó, 12 giờ đêm 6.6, khoa Cấp cứu của bệnh viện này cũng đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.C. (SN 1990, ngụ tỉnh Hậu Giang). Người bệnh được người dân đưa vào khoa cấp cứu với vết thương hở trên ngực trái, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da xanh, niêm nhạt, sốc mất máu (huyết áp thấp 60 mmHg), siêu âm tim có dịch màng ngoài tim lượng nhiều.

Người bệnh được chẩn đoán: vết thương ngực thấu tim gây chèn ép tim cấp, đột ngột ngưng tim ngưng thở. Xác nhận đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp và không có thân nhân người bệnh đi cùng nên êkip đã xin ý kiến Ban giám đốc ký vào biên bản cam đoan phẫu thuật thay thế người thân bệnh nhân.

Bệnh viện cũng đồng thời bật báo động khẩn nội viện và chuyển bệnh nhân phẫu thuật theo quy trình phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp, tập hợp êkip trực gồm vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực để tránh tổn thương não và chọc tháo dịch màng ngoài tim đồng thời đưa bệnh nhân ngay lên phòng mổ mở ngực ngay lập tức. Tim được giải áp và bắt đầu đập trở lại, ngay sau đó lỗ thủng tim được bít lại bằng bóng sonde Foley, kiểm soát chảy máu và tiến hành khâu vết thương tim.

Sau ca phẫu thuật, người bệnh ổn định và được chuyển về phòng hồi sức tim để theo dõi và điều trị hồi sức. Hai ngày sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh, đã có thể ngồi, nói chuyện và sức khỏe đang hồi phục tốt.

Theo BS.CKII Trần Phước Hòa - Trưởng đơn vị Tim mạch của Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, vết thương tim tương đối ít gặp, nhưng một khi xảy ra, diễn biến lại vô cùng nguy hiểm. Đa số người bệnh có vết thương tim có tiên lượng rất xấu và có thể tử vong ngay sau tai nạn. Việc cứu sống bệnh nhân cần sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý của êkip từ đội ngũ cấp cứu ngoại viện, tua trực cấp cứu, ekip phẫu thuật tim, gây mê và hồi sức.

Theo BS Hòa, khi gặp tai nạn làm tổn thương đến tim, mạch máu lớn trong lồng ngực, người bệnh nên được nhanh chóng khống chế chảy máu bằng mọi cách và chuyển ngay đến cơ sở y tế có đủ khả năng phẫu thuật gần nhất để mở ngực khẩn cấp. Các chuyên viên y tế sẽ khống chế vết thương hoặc hạn chế chảy máu rồi chuyển lên tuyến chuyên khoa mới mong cứu sống được người bệnh.

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng cưa máy xẻ gỗ, bất cẩn bị dăm gỗ đâm thủng thành bụng