“Chúng ta không phủ nhận trí tuệ của đại biểu quốc hội, đây là một công trình khoa học cần thiết, đề nghị được sử dụng như một công trình nghiên cứu chứ không xếp vào ngăn kéo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Dừng dự luật Hành chính công-một sáng kiến lập pháp của Đại biểu Quốc hội

Trí Lâm | 11/09/2018, 15:00

“Chúng ta không phủ nhận trí tuệ của đại biểu quốc hội, đây là một công trình khoa học cần thiết, đề nghị được sử dụng như một công trình nghiên cứu chứ không xếp vào ngăn kéo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Sáng ngày 11.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đãcho ý kiến về dự án Luật Hành chính công.

Trình bày Tờ trình, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết, những năm qua, việc ban hành, thực hiện hành chính công nói chung và thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công nói riêng cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc.

Theo đó, Luật Hành chính công được xây dựng với mục đích trình Quốc hội xem xét thông qua một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thời gian qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính, xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính…

Dự thảo Luật hành chính công được xây dựng với bố cục gồm có 5 chương, 45 điều, quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Thẩm tra Tờ trình dự án, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đánh giá cao tâm huyết, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của đại biểu quốc hội - Trưởng Ban soạn thảo, các thành viên. Tuy nhiên, với hồ sơ dự án Luật Hành chính công được chuẩn bị như hiện nay và để bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành thì chỉ nên xây dựng dự án luật này theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ hành chính công như là một công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo Thường trực Uỷ ban Pháp luật, thủ tục hành chính và dịch vụ công là hai nội dung lớn, là vấn đề trọng tâm của nền hành chính, có phạm vi tác động rộng; đồng thời cũng liên quan trực tiếp đến hoạt động của hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, tuy ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng, nhưng việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện thì mới bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanhbày tỏ băn khoăn: "Nếu ban hành luật này thì có phá vỡ các quy định khác trong hệ thống pháp luật hay không?". Do đó, để bảo đảm tính khả thi của luật, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan; rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định; làm rõ mối quan hệ giữa Luật Hành chính công với các luật hiện hành...

Cho rằng ý tưởng xây dựng dự án Luật là rất tốt, song Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng nội dung của luật đã khả thi hay chưa, thời điểm ban hành có phù hợp hay không khi mà Chính phủ đã rút luật tương tự như luật này ra khỏi chương trình xây dựng luật.

“Nên chăng, dự án Luật chỉ dừng lại ở một công trình nghiên cứu khoa học ghi dấu ấn của ban soạn thảo”, ông Đỗ Bá Tỵ bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, đây là một dự án luật có liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật nói chung, tính khả thi thì còn tiếp tục phải bàn và nếu được được ban hành thì sẽ phải sửa đổi rất nhiều luật khác. Do đó, cần xem xét, cân nhắc về tính khả thi, thời điểm đưa dự luật ra Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo các điều kiện thuận lợi cho Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng như ban soạn thảo xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên khái niệm hành chính công có nội hàm rất lớn, phức tạp, nội dung cụ thể của hành chính công đang được điều chỉnh ở các đạo luật hiện hành...

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sự thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật này chưa đạt yêu cầu, còn chung chung; một số điều chỉ là luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ và vẫn còn chung chung, thậm chí chưa cụ thể bằng các quy định trong nghị định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên dừng dự án Luật này lại. “Chúng ta không phủ nhận trí tuệ của đại biểu Quốc hội, đây là một công trình khoa học cần thiết, đề nghị được sử dụng như một công trình nghiên cứu chứ không xếp vào ngăn kéo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các thành viên tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho dừng Dự án Luật Hành chính công. Ủy ban Pháp luật vẫn tiếp tục có Báo cáo thẩm tra để báo cáo với Quốc hội trên tinh thần xin rút dự án Luật này ra khỏi chương trình.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dừng dự luật Hành chính công-một sáng kiến lập pháp của Đại biểu Quốc hội