Với những ưu thế vượt trội, PET/CT là một kỹ thuật được nhiều bệnh viện lớn lựa chọn, nhất là trong điều trị ung thư. Thế nhưng kỹ thuật này đã và đang có dấu hiệu bị lạm dụng, người bệnh phải mất chi phí khá cao mà hiệu quả chưa hẳn tốt.

Dùng PET/CT tầm soát ung thư: Cứu người hay 'chém tiền' ?

16/08/2017, 14:26

Với những ưu thế vượt trội, PET/CT là một kỹ thuật được nhiều bệnh viện lớn lựa chọn, nhất là trong điều trị ung thư. Thế nhưng kỹ thuật này đã và đang có dấu hiệu bị lạm dụng, người bệnh phải mất chi phí khá cao mà hiệu quả chưa hẳn tốt.

Một chiếc máy tổ hợp PET/CT được sử dụng ở Mỹ - Ảnh: Wuynh Huynh Tran

Tính đến thời điểm này ở Việt Nam các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Quân y T.Ư 108, Bệnh viện Đà Nẵng và gần đây là Bệnh viện ung bướu Hà Nội đã đưa PET/CT vào ứng dụng điều trị mà phần lớn là áp dụng trong điều trị ung thư với chi phí cho mỗi lần chụp từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng tùy nơi.

Tuy nhiên, có một làn sóng phản đối trong giới y khoa, nhất là nhiều bác sĩ trẻ tâm huyết với chuyên ngành của mình, do nó được quảng bá, thông tin đến bệnh nhân là kỹ thuật này cho phép phát hiện ung thư sớm.

Điều này không hiệu quả và đi ngược với xu thế thế giới đã được nhiều nước có nền y khoa tiên tiến khuyến cáo. Đáng chú ý, trong những ngày gần đây trên một số trang mạng xã hội và diễn đàn y khoa, nhiều người phản đối mạnh mẽ, trong đó không ít bác sĩ chuyên ngành chỉ trích việc đưa PET/CT tầm soát ung thư chỉ là “chém tiền”, không khác nào phục vụ “ý đồ” thương mại hơn là cứu người.

Để tìm hiểu vấn đề này, PV báo điện tử Một Thế Giới đã phỏng vấn nhanh một số chuyên gia, bác sĩ am tường trong lĩnh vực này:

TS.BS Wynn Huynh Tran (người Mỹ gốc Việt), Bệnh viện Đại học University of Southern Califonia, Los Angeles, USA; sáng lập viên kiêm Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận VietMD.net tại Mỹ:

PET/CT là phương pháp chụp ảnh kết hợp giữa chụp cắt lớp CT (Computed Tomography, dùng tia bức xạ X-quang để tạo ra hình ảnh) và PET (Position Emission Tomography, dùng chất phóng xạ liều nhỏ để ghi hình các vùng có tốc độ chuyển hoá - Metabolism - cao).

Tại Mỹ hiện nay, các tổ chức y khoa đều khuyến cáo không nên dùng PET/CT để tầm soát ung thư vì không có hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2007 từ Hội Y khoa hạt nhân Mỹ (5), Society of Nuclear Medicine, tổng hợp các nghiên cứu về PET/CT trong việc tầm soát ung thư nhiều nơi trên thế giới (Nhật Bản và Đài Loan), kết luận PET/CT không hiệu quả trong việc tầm soát ung thư. Từ đó các ý kiến về tầm soát không còn nữa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng PET/CT có thể phát hiện tế bào ung thư ở gian đoạn sớm. Điểm này không chính xác hoàn toàn. PET có thể nhận ra các vùng tăng tốc độ chuyển hóa nhưng không hẳn là tế bào ung thư như giải thích phía trên.

Tại Mỹ, giá chụp PET/CT khoảng 2.000 - 7.000 USD nên hầu như các hãng bảo hiểm đều từ chối chụp PET/CT trong việc tầm soát. Họ chỉ chịu trả khi bệnh nhân đã có chẩn đoán ung thư. Rất nhiều tổ chức y khoa phản đối vì phương pháp này không có tác dụng trong việc tầm soát ung thư. Tại Việt Nam, chụp PET/CT khoảng 20 triệu đồng và không khó hiểu khi có bệnh viện quảng cáo tầm soát ung thư bằng phương pháp này và khi mà bệnh nhân phải trả bằng tiền túi thì càng khổ sở hơn.

TS.BS Lâm Đại Phong, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh từng tu nghiệp tại Nhật Bản, hiện đang làm việc tại một cơ sở y tế ở TP.HCM:

PET/CT là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán, hỗ trợ điều trị và theo dõi bệnh ung thư. Đây là sự kết hợp của 2 kỹ thuật hình ảnh: PET và CT. Trong đó, PET có nghĩa là hình ảnh cắt lớp phóng xạ của các hạt positron; được thu nhận dựa trên sự hấp thu những đồng vị phóng xạ có thời gian phân rã ngắn của cơ thể. Đồng vị phóng xạ thường được sử dụng là đường [18F] fluorodeoxyglucose (FDG).

FDG được tiêm vào cơ thể qua đường tĩnh mạch và được chuyển hoá giống như đường glucose bình thường trong cơ thể và FDG có vai trò như chất chỉ dấu. Thông thường, khối u có sự tăng sinh mạch máu nhiều hơn so với mô bình thường, vì thế quá trình hấp thu chuyển hoá của khối u nhiều hơn so với những mô không bệnh lý khác, vì thế sẽ tích luỹ FDG nhiều hơn so với mô không bệnh lý.

Tuy nhiên, do PET chỉ cung cấp được hình ảnh chức năng chưa đủ để xác định chính xác được vị trí của tổn thương cho nên người ta phải kết hợp với kỹ thuật hình ảnh chụp cắt lớp điện toán (CT) để khắc phục được nhược điểm của PET đơn thuần. Ở nơi tôi học là Đại học Y nha Tokyo (Nhật Bản), PET/CT thường được dùng sau thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật hình ảnh thường quy khác như siêu âm, CT scan có hoặc không có chấn cản quan, MRI… Khi đó dùng để xác định vùng tổn thương nguyên phát và hạch di căn.

Theo như những gì tôi biết cho đến thời điểm này, người ta không sử dụng PET/CT để phát hiện tế bào ung thư ở những giai đoạn sớm, mà tuỳ loại ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp xét nghiệm phù hợp. Hầu như không có 1 loại xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán sớm tất cả các loại ung thư khác nhau. Hơn nữa, PET/CT không phân biệt được mô bị nhiễm trùng và u lành với u ác; không phân biệt được 1 số loại mô có quá trình chuyển hoá cao.

TS.BS Nguyễn Duy Sinh, chuyên gia về xạ trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM:

Các xét nghiệm tầm soát ung thư được chấp nhận hiện nay thường được thực hiện cho từng cơ quan như cổ tử cung, vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến.

Mục đích chính của việc tầm soát là phát hiện ra các ung thư ở giai đoạn sớm mà việc điều trị có thể cải thiện sống còn. Một xét nghiệm tầm soát tốt cần thỏa mãn nhiều tiêu chí, trong đó tỉ lệ người mắc bệnh trên dân số chung phải cao thì xét nghiệm mới có hiệu quả.

PET/CT dùng để rà soát toàn thân với hy vọng tìm được một ổ ung thư nào đó còn nhỏ trong toàn cơ thể nhưng tính chung tỷ lệ mắc các loại ung thư trên dân số chung thì chỉ khoảng 5% nên xét nghiệm (kỹ thuật) này không có hiệu quả.

Th.BS Đặng Tài Vóc, chuyên ngành ung thư, đang làm việc ở Hà Nội (bìa phải):

Thông thường, các tế bào khối u có tốc độ nhân đôi cao hơn tế bào mô thường nên nhu cầu sử dụng đường cũng sẽ cao hơn, do đó FDG sẽ tích lũy nhiều hơn so với mô thường.

Tuy nhiên, do PET chỉ cung cấp được hình ảnh chức năng chưa đủ để xác định chính xác được vị trí của tổn thương cho nên người ta phải kết hợp với kỹ thuật hình ảnh chụp cắt lớp điện toán (CT) để khắc phục được nhược điểm của PET đơn thuần. Nói cụ thể hơn, PET cho hình ảnh chuyển hóa của khối u. CT cho hình ảnh giải phẫu. Kết hợp PET và CT sẽ khắc phục được nhược điểm của 2 kỹ thuật riêng lẻ.

TS.BS Phạm Nguyên Quý, chuyên gia điều trị ung thư, Bệnh viện trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản (thứ 2 từ trái qua):

Có thể khái niệm “tầm soát ung thư” đã chưa được hiểu đúng. Tầm soát ung thư được định nghĩa là việc thực hiện những khảo sát/xét nghiệm giúp tìm ra ung thư trước khi có triệu chứng. Vì thực hiện trên người khỏe mạnh, người ta đưa ra một số tiêu chí để đánh giá phương pháp xét nghiệm có thích hợp cho việc tầm soát ung thư hay không, như: tầm soát mặt bệnh ung thư phổ biến, có tỉ lệ tử vong cao; dễ thực hiện, giá thành rẻ; độ chính xác không cần quá cao nhưng phải đủ cao; được thực hiện an toàn với tỉ lệ biến chứng/tác dụng phụ thấp; đã được chứng minh hiệu quả làm giảm tỉ lệ tử vong…

Chẳng hạn trong tầm soát ung thư đại tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân được cho là tốt nhất và xét nghiệm này đã được đưa vào chương trình tầm soát tập thể tại Nhật Bản với nguồn kinh phí từ nhà nước và một số tổ chức công đoàn.

Những phương pháp khác như nội soi đại tràng dù có số liệu cho thấy khả năng chẩn đoán chính xác hơn và giúp giảm tỉ lệ tử vong, nhưng khó khăn trong việc thực hiện, giá thành cao và tỉ lệ biến chứng đi kèm (0.07% ở Nhật) vẫn là trở ngại khiến chúng không phải là lựa chọn tối ưu.

Tóm lại theo các tiêu chí đã nêu thì PET/CT scan hoàn toàn không phải là phương pháp tầm soát ung thư vì khó thực hiện, giá thành quá cao và chưa có số liệu cho thấy nó giúp làm giảm tỉ lệ tử vong trong cộng đồng. Nguy cơ từ phơi nhiễm phóng xạ cũng là điều đáng ngại khi cân nhắc lợi ích tổng thể.

Cũng xin nói thêm là một số người có điều kiện tài chính vẫn có thể tin vào độ chính xác của PET/CT để tầm soát ung thư theo nguyện vọng cá nhân. Thật ra, các nghiên cứu đã cho thấy PET/CT có tỉ lệ dương tính giả là 20 - 40% tùy vùng hay cơ quan được đánh giá. Tỉ lệ âm tính giả của PET/CT vùng ngực tầm 10%, thấp hơn nhưng không có nghĩa là có thể an tâm hoàn toàn khi xét nghiệm cho kết quả bình thường.

Có thể hiểu chụp PET/CT không phát hiện gì vẫn có thể đã có ung thư (âm tính giả) mà nếu có dấu hiệu nghi ngờ cũng có thể là không bị ung thư (dương tính giả).

Nhật Lam – Lê Đình Dũng (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng PET/CT tầm soát ung thư: Cứu người hay 'chém tiền' ?