Cụm từ đình đám “đúng quy trình” tưởng như sẽ không có đối thủ trong bảng xếp hạng những câu nói ấn tượng nhất năm giờ đây đứng trước một "thách thức" đáng kể trong những ngày giáp Tết: Lịch sử để lại.

'Đúng quy trình' vừa lắng thì 'lịch sử để lại' đã vùng lên

08/02/2018, 05:41

Cụm từ đình đám “đúng quy trình” tưởng như sẽ không có đối thủ trong bảng xếp hạng những câu nói ấn tượng nhất năm giờ đây đứng trước một "thách thức" đáng kể trong những ngày giáp Tết: Lịch sử để lại.

Đúng quy trình là một trong những cụm từ được sử dụng nhiều nhất năm 2017 - Ảnh: Internet

Năm 2017 âm lịch Đinh Dậu sắp sửa khép lại, có lẽ với nhiều người Việt Nam đây sẽ là một năm của những thành tựu nổi bật, từ tốc độ tăng trưởng vượt dự báo của nền kinh tế cho đến thành tích ấn tượng của đội tuyển bóng đá U.23 quốc gia tại giải châu Á. Nhưng, 2017 Đinh Dậu cũng sẽ còn được nhớ tới như một năm của những phát ngôn để đời trong đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước. Cụm từ đình đám “đúng quy trình” tưởng như sẽ không có đối thủ trong bảng xếp hạng những câu nói ấn tượng nhất năm giờ đây đang phải đứng trước một thách thức đáng kể trong những ngày giáp Tết: Lịch sử để lại.

Đã từ lâu, các nhà ngôn ngữ học đã thừa nhận rằng một trong những đặc tính quan trọng nhất của ngôn ngữ là sự lan truyền. Tính dễ lan truyền của ngôn ngữ có thể xuất phát từ vẻ đẹp, hay thường thấy hơn là từ sự hữu dụng hoặc thời thượng. Các quan chức Việt Nam hơn ai hết là những ví dụ minh họa không thể tốt hơn cho đặc tính này, và năm 2017 đúng là một năm quá lý tưởng cho cuộc khảo sát về ngôn ngữ của giới quan chức Việt. Có lẽ không cần nhắc lại về sự đình đám của cụm từ “đúng quy trình” vốn làm mưa làm gió trong một loạt các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam trong suốt một thời gian dài vừa qua, vốn được xem là một sự lý giải mang tính khuôn mẫu cho những sự bổ nhiệm hay thăng tiến bất thường trong hệ thống quan chức nước nhà. Cơn sốt lan truyền của việc sử dụng cụm từ “đúng quy trình” trên thực tế chỉ bắt đầu lắng xuống sau một loạt các sự kiện cho thấy Nhà nước bắt đầu xiết chặt các quy trình bổ nhiệm và thăng tiến trong hệ thống quan chức gần đây.

Nhưng, một lần nữa, các quan chức Việt Nam lại thể hiện rằng mình nhạy bén với những trào lưu ngôn ngữ như thế nào. Cũng giống như các mốt thời trang của phụ nữ vốn liên tục thay đổi, thì việc nhanh chóng nắm bắt và sử dụng các phát ngôn thời thượng cũng là một đặc trưng của giới quan chức. Hết trào lưu “đúng quy trình” thì giờ đây lại nổi lên một trào lưu khác: “lịch sử để lại”. Không ai bảo ai, cụm từ “lịch sử để lại” đang rộ lên trong những phát ngôn của các quan chức Việt Nam những ngày gần đây, đặc biệt là trong những phát ngôn lý giải những vấn đề bất cập vốn đã tồn tại lâu dài từ trước đến nay trong phạm vi quản lý.

Hơi khó để xác định xem ai là tác giả của cụm từ thời thượng mới nổi này, hay ít nhất là vị quan chức nào là người đầu tiên sử dụng nó trong những ngày vừa qua. Có lẽ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông là một trong những người đầu tiên “debut” cụm từ này, khi trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2.2.2018 vừa qua vị Thứ trưởng đã sử dụng lý do này để giải thích vì sao Bộ GTVT không đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc Công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV) dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không - sự việc gây xôn xao trong thời gian vừa qua.

Sự việc nhìn qua tưởng như khá đơn giản: đầu tháng 1.2018 Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận việc thu phí ra vào 19 sân bay do ACV quản lý trong những năm qua là không đúng với quy định của Luật Đất đai và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, gây thiệt hại cho khách hàng. Cụ thể, tổng doanh thu bị thu sai này trong giai đoạn 2012-2015 lên tới 551 tỉ đồng. Trong thông cáo báo chí ngày 24.1.2018, Bộ GTVT tỏ ra không đồng tình với kết luận này, và trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2.2.2018 Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã lý giải việc thu phí không đúng quy định này là do “lịch sử để lại” khi ACV chỉ mới được cổ phần hóa trong khoảng 2 năm trở lại đây, trong khi việc thu phí đã có từ nhiều năm về trước. Nói cách khác, do quá trình chuyển đổi cổ phần hóa của ACV nên có những sự thay đổi về quy định của pháp luật chưa được điều chỉnh thích hợp.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là: Bộ GTVT có thể không đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ và đề xuất bổ sung việc thu phí vào danh mục nếu thấy hợp lý và có cơ sở; nhưng để làm điều đó thì Bộ GTVT phải đề xuất sửa luật liên quan, như Luật Đất đai và Luật Hàng không dân dụng, do việc ACV thu phí hiện nay là trái luật. Chứ không phải việc dẫn lý do “lịch sử để lại” như một cách bào chữa cho việc vi phạm luật.

Cũng tương tự là một sự việc khác thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), khi Vụ Đối ngoại thuộc Bộ có tới 2 vụ trưởng trong khi quy định mỗi đơn vị cấp vụ chỉ được phép có một vụ trưởng mà thôi. Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, đó là do “lịch sử để lại”. Cụ thể, Vụ Đối ngoại hiện nay là sự sáp nhập của Vụ Hợp tác với Lào và Campuchia trước đây với Vụ Kinh tế đối ngoại, do đó có tới 2 vụ trưởng, trong khi quy định mỗi đơn vị cấp vụ chỉ có một vụ trưởng chỉ mới được ban hành gần đây.

Có thể thấy, điểm chung trong các trường hợp nói trên, đó là cụm từ “lịch sử để lại” đang có xu hướng được sử dụng như một lý do bào chữa cho những bất cập trong cách thức quản lý và hoạt động tại không ít cơ quan nhà nước hiện nay. Về một góc độ nhất định, điều đó không sai. Những bất cập trong quản lý và hoạt động tại nhiều cơ quan nhà nước ở Việt Nam là điều không phải hiếm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nó nên được xem như một nguyên nhân và một thực trạng cần giải quyết chứ không phải bị đem ra như một cái cớ để đổ lỗi cho “cơ chế”. Một quan chức hoàn toàn có thể nêu lý do “lịch sử để lại” nếu vị đó có kèm theo cách thức tháo gỡ tình trạng bất cập đó. Còn nếu không, thì cũng giống như cụm từ “đúng quy trình”, “lịch sử để lại” cũng sẽ chỉ là một cách thức được sử dụng để đá trách nhiệm cho cơ chế mà thôi. Và một quan chức, thì có lẽ cũng không nên được nhớ đến với tư cách một nhà ngôn ngữ học.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đúng quy trình' vừa lắng thì 'lịch sử để lại' đã vùng lên