Vua tôi Chiêm quốc khi theo dõi tình hình chiến sự Tống - Nguyên đã đưa ra quyết định cùng Đại Việt đoàn kết chống Nguyên Mông. Năm 1278, vua Indravarman V phái sứ giả là Bồ Tinh, Bồ Đột sang Đại Việt thỏa thuận kết liên minh.

Được Đại Việt cổ vũ, Chiêm Thành cứng rắn với Nguyên Mông

16/04/2018, 13:52

Vua tôi Chiêm quốc khi theo dõi tình hình chiến sự Tống - Nguyên đã đưa ra quyết định cùng Đại Việt đoàn kết chống Nguyên Mông. Năm 1278, vua Indravarman V phái sứ giả là Bồ Tinh, Bồ Đột sang Đại Việt thỏa thuận kết liên minh.

Quân Nguyên Mông là ám ảnh với các nước thế kỷ 13 - Ảnh: Internet

Giữa thế kỷ 13, khắp lục địa Á Âu chấn động bởi thế lực người Mông Cổ đến từ thảo nguyên Trung Á. Thoạt nhiên nhìn vào bản đồ địa lý thời bấy giờ, địa bàn Đông Nam Á ở cách xa người Mông Cổ vạn dặm. Nhưng rất nhanh chóng, lần lượt những quốc gia hùng mạnh là Tây Hạ và Kim bị tiêu diệt. Kế đó, quân Mông Cổ tấn công chiếm nhiều vùng rộng lớn của nước Tống, kiểm soát các vùng đất thuộc Tây Tạng và tiến chiếm nước Đại Lý. Sau khi Đại Lý diệt vong, nước Đại Việt tiếp giáp trực tiếp với đế quốc Mông Cổ. Trên đà bành trướng thuận lợi, gần như ngay sau khi chiếm xong Đại Lý thì quân Mông Cổ đã tính đến chuyện thôn tính nước Đại Việt, rồi dùng lãnh thổ Đại Việt làm một trong những bàn đạp tấn công nước Tống. Trước thử thách mới cam go, hai nền văn minh Đại Việt và Chiêm Thành thời bấy giờ đứng trước lựa chọn cùng nhau gạt bỏ bất đồng, đoàn kết lại để đối đầu với những kẻ địch bên ngoài hoặc thỏa hiệp và trông chờ vào ân huệ của kẻ mạnh.

Cuộc chiến Việt - Chiêm từ năm 1252-1254 đã khiến thái độ của Chiêm Thành đối với Đại Việt thay đổi. Vị vua mới lên ngôi sau cuộc chiến là Jaya Indravarman VI đã nhận thấy được sức mạnh đáng gớm của nước Đại Việt. Nhưng hơn thế nữa, triều đình Chiêm Thành cũng nhận thấy thiện chí của kẻ chiến thắng. Nhà Trần tuy muốn kìm chế Chiêm Thành, những vẫn duy trì chủ quyền của nước này. Đối với người Chiêm, thái độ của Đại Việt thân thiện hơn hẳn những gì mà người Chân Lạp đã thể hiện trong những năm trước đó, dù cho Chiêm Thành là bên gây chuyện trước dẫn đến chiến tranh. Sự cân bằng trong việc thể hiện binh uy và đức độ của vua Trần Thái Tông là nền tảng hòa bình cho hai nước. Vua tôi Chiêm Thành lúc bấy giờ vừa nể vừa sợ Đại Việt. Đến khi quân Mông Cổ sang đánh, nước Chiêm Thành đã không thừa cơ gây hấn ở phía nam.

Đầu năm 1258, 5 vạn liên quân Mông Cổ - Đại Lý (thuộc Mông Cổ) dưới trướng của tướng Ngột Lương Hợp Thai tấn công nước Đại Việt. Vốn tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, vua Trần Thái Tông quyết định thân chinh dẫn quân bày trận ở Bình Lệ Nguyên để đợi giặc. Một cuộc chiến quy ước đã diễn ra ác liệt. Trong trận này, kỵ cung Mông Cổ đã được dịp thể hiện những phẩm chất vượt trội của mình. Quân Đại Việt với tượng binh hùng mạnh cũng không thể địch nổi những kẻ chinh phục phương bắc. Vua Trần Thái Tông suýt bị tổn thương trong trận chiến. May nhờ có sự liều chết của tướng sĩ, quyết định rút lui kịp thời và khả năng cơ động cao của thủy quân, vua Trần Thái Tông mới thoát chết, cả nước có cơ hội chuyển sang trạng thái chiến tranh, thiết lập thế trận toàn dân đánh giặc.

Với kế sách vườn không nhà trống của người Việt, quân Mông Cổ dù chiếm đóng được kinh thành Thăng Long nhưng chỉ là một tòa thành trống rỗng không có dân chúng, không có lương thực. Hạn chế của một đạo quân viễn chinh du mục lúc bấy giờ lập tức thể hiện rõ nét. Việc đem theo quá ít ỏi lương thực dự trữ nhằm đảm bảo tốc độ hành quân khiến quân Mông Cổ nhanh chóng rơi vào cảnh đói khát. Cuối tháng 1.1258, quân dân Đại Việt tổ chức phản công toàn tuyến. Quân Mông Cổ đại bại ở Đông Bộ Đầu, phải chạy dài. Đến trại Quy Hóa, đoàn quân của Ngột Lương Hợp Thai lại trúng mai phục của tù trưởng Hà Bổng nên tổn thất nặng. Khi đến hội quân ở Ngạc Châu (thuộc nước Tống) với cánh quân của Hốt Tất Liệt, Ngột Lương Hợp Thai chỉ còn chừng 5.000 kỵ binh.

Chiến thắng oanh liệt trong lần đầu tiên đọ sức với Mông Cổ đã giúp Đại Việt có được một quãng thời gian hòa bình để củng cố thêm sức mạnh trước mối đe dọa vẫn còn thường trực. Trong lúc Đại Việt chiến đấu với quân Mông Cổ thì tại Chiêm Thành lại có biến loạn. Vì cớ Jaya Indravarman VI là người đã thỏa hiệp với quân Đại Việt chiếm đóng Chiêm Thành nên trong nước vẫn có những thế lực ngầm chống đối. Năm 1257, sau khi quân Đại Việt rút khỏi Chiêm Thành không lâu thì hoàng thân Chay Nuk, con trai của vua Jaya Paramesvaravarman II bị tử trận trong cuộc chiến với Đại Việt trước đó đã tổ chức ám sát vua Jaya Indravarman VI, đưa hoàng tử Pulyan Sri Yuvaraja, con trai của người chị vua Jaya Indravarman VI lên nối ngôi, lấy hiệu là Jaya Sinhavarman VI. Đến năm 1266, hoàng thân Chay Nuk lên kế vị lấy hiệu là Indravarman V. Các vua Chiêm Thành vẫn theo đường lối hòa hảo với Đại Việt, và đề phòng với thế lực người Mông Cổ. V

Vua tôi Chiêm quốc khi theo dõi tình hình chiến sự Tống - Nguyên đã đưa ra quyết định cùng Đại Việt đoàn kết chống Nguyên Mông. Năm 1278, vua Indravarman V phái sứ giả là Bồ Tinh, Bồ Đột sang Đại Việt thỏa thuận kết liên minh. Trong trường hợp Chiêm Thành bị tấn công, Đại Việt cam kết sẽ cử quân giúp đỡ. Đổi lại, Chiêm Thành cam kết chiến đấu với Nguyên Mông, không ngã theo Nguyên Mông chống Đại Việt. Thỏa thuận này đóng vai trò khá quan trọng trong chiến lược giữ nước của cả hai phía, giúp cả Đại Việt và Chiêm Thành có thể yên tâm và chủ động hơn trước những yêu sách và đe dọa của Nguyên Mông sau đó.

Năm 1279, quân Nguyên thảm sát vua tôi nước Tống ở trận Nhai Môn, chính thức diệt Tống. Hốt Tất Liệt liên tục cho đòi vua Đại Việt phải đích thân sang chầu, đồng thời phải cho thân thích sang làm con tin. Bấy giờ ở Đại Việt, cuộc chiến ngoại giao giữa Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông với các sứ đoàn nước Nguyên diễn ra khá căng thẳng. Thực ra, song song với những chiêu bài ngoại giao, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cũng đã sớm chuẩn bị cho những cuộc nam chinh. Ngay từ khi lập nên triều Nguyên, Hốt Tất Liệt đã có mong muốn chiếm trọn Đông Nam Á, từ cả vùng lục địa ra các nước hải đảo. Tham vọng bành trướng của Nguyên Mông, thực sự là không hề có điểm dừng.

Tuy đánh giá vị trí của Đại Việt là cửa ngõ tiến xuống nam nhưng Nguyên triều vẫn còn chần chừng vì sức mạnh của Đại Việt khá đáng gờm. Nhìn sang nước Chiêm Thành, vua tôi nước Nguyên nhận thấy vị trí của Chiêm quốc nằm ở giữa vùng, khi chiếm được có thể dùng làm bàn đạp mà tấn công Đại Việt từ cả hai mặt bắc nam. Và điều quan trọng là Chiêm Thành yếu hơn Đại Việt nhiều. Vì thế, sau khi cân nhắc thì Nguyên Mông đã thiên về quyết định đánh Chiêm Thành trước.

Năm 1280, sứ giả Nguyên Mông sang Chiêm Thành phong cho vua Indravarman V làm “Chiêm Thành quận vương” và yêu cầu vua Chiêm phải sang chầu nước Nguyên. Vua Indravarman V cũng theo chính sách của Đại Việt, niềm nở tiếp đón sứ Nguyên nhưng nhất quyết không chấp nhận việc đích thân sang chầu Nguyên triều. Thái độ của cả hai nước đối với Nguyên Mông khá nhất quán, vừa mềm mỏng tránh đối đầu, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ những giá trị cốt lõi của đất nước.

Năm 1281, lấy cớ Chiêm Thành chống lệnh, Hốt Tất Liệt ra lệnh lập Chiêm Thành hành trung thư tỉnh, phong Toa Đô (Sagatou) làm Hữu thừa, Lưu Thâm làm Tả thừa, Diệp Hắc Mê Thất (Yigmis) làm Tham tri chính sự lo việc chuẩn bị nam chinh. Đến cuối năm 1282, 10 vạn quân Nguyên Mông với 1.000 chiến thuyền giương buồm xuôi nam tiến đánh Chiêm Thành. Đây là một trong những đạo quân lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử nước Chiêm Thành. Cuộc chiến này không chỉ là việc của hai nước Nguyên - Chiêm Thành mà nó còn can hệ đến vận mệnh của một loạt các nước trong khu vực. Nhất là đối với Đại Việt thì việc thành bại của quân dân Chiêm Thành ảnh hưởng cực lớn đến thế trận chống Nguyên Mông.

(còn nữa)

Quốc Huy

Bài viết cùng chủ đề:

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến​

Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam​

Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam​

Vua Lý Thánh Tông bắt Chiêm Thành phải trả giá vì tìm cách liên Tống chống Việt

Nhà Tống đi đêm với Chiêm Thành, Chân Lạp hòng thôn tính Đại Việt

Đại Việt ra uy, Tống bại, Chiêm Thành - Chân Lạp quay mũi giáo đánh nhau

Quân Đại Việt thời Lý 5 lần đánh bại Chân Lạp

Chiêm Thành cầu hòa Đại Việt để đại chiến với Chân Lạp

Cầu cứu Đại Việt bất thành, Chiêm Thành bị Chân Lạp thôn tính

Vua Trần Thái Tông và chính sách cứng rắn với Chiêm Thành

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Được Đại Việt cổ vũ, Chiêm Thành cứng rắn với Nguyên Mông