Chỉ có tên trong danh sách người được tạm giao đất, người đàn ông ở Cà Mau sau đó không thực hiện các thủ tục theo quy định, nhưng 30 năm sau ông khởi kiện đòi đất, vẫn được tòa án tuyên thắng.

Được tạm giao đất rồi bỏ, 30 năm sau vẫn đòi được đất?

Văn Em | 25/01/2018, 15:52

Chỉ có tên trong danh sách người được tạm giao đất, người đàn ông ở Cà Mau sau đó không thực hiện các thủ tục theo quy định, nhưng 30 năm sau ông khởi kiện đòi đất, vẫn được tòa án tuyên thắng.

Trong khi cựu đại tá công an cất nhà ở ổn định trên phần đất này, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ… lại bị tuyên thua kiện, phải chịu bán đấu giá nhà, không còn nơi thờ tự Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).

Bỗng dưng bị kiện…

Trong đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng, đại tá Trần Việt Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Minh Hải, nay là Công an tỉnh Cà Mau) trình bày:

Năm 1986, ông có gửi đơn đến Sở Xây dựng tỉnh Minh Hải xin được cấp đất ở. Đến năm 1987, ông được Công ty Phát triển nhà Minh Hải cấp 1.000m2 đất tại lô 17B, đường Lộ Mới, khu Trần Ngọc Hy (nay là đường Trần Văn Bỉnh, khóm 7, P.5, TP.Cà Mau).

Năm 1988, ông Bình thuê người khác san lấp mặt bằng đắp nền nhà, và cất nhà ở. Năm 1991, theo yêu cầu quy hoạch xây dựng của tỉnh, diện tích đất ông được cấp trước đó là 1.000m2, giảm xuống còn 300m2, phần còn lại giao cho Công ty Phát triển nhà Minh Hải quản lý.

Các giấy tờ đều thể hiện, ông Bình được Công ty Phát triển nhà giao đất chính thức từ ngày 11.6.1993 (họa đồ phần chia lô đất ra các lô 17 - 17A1 và 17A2, do ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Minh Hải ký).

Đến năm 1995, trong sổ mục kê đo đạc người sử dụng lô đất số 17 đứng tên ông Trần Việt Bình. Từ đó đến nay, ông Bình đã 2 lần cất nhà và ở liên tục từ năm 1998 đến nay gần 30 năm.

Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở P.9, TP.Cà Mau kiện ông Bình ra tòa đòi lại phần đất 300m2 mà ông Bình đang ở ổn định.

Theo đơn khởi kiện của ông Tuấn thì năm 1986, ông được cấp phần đất 1.000m2, việc cấp đất bằng hình thức ghi tên trong danh sách cấp cho cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước (khi đó ông Tuấn công tác tại ban Quản lý HTX của tỉnh).

3 năm sau, đất được cấp bị điều chỉnh, theo đó ông còn 300m2. Đến năm 1990, do là chỗ bạn bè nên ông cho… ông Bình mượn phần đất trên cất nhà, hẹn khi nào cần thì phải trả lại.

Nói về lý do không làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Tuấn cho rằng do giấy tờ có liên quan đến việc được cấp đất gửi người bạn, và bị làm thất lạc nên ông chưa làm được chủ quyền sử dụng.

Tuyên án dựa vào sổ theo dõi?

Sau khi ông Tuấn khởi kiện ông Bình đòi đất, ngày 2.4.2013, phòng Quản lý Đô thị TP.Cà Mau, có thông báo số 62/ BC - QLĐT về vụ tranh chấp đất giữa 2 ông.

Báo cáo nêu rõ, khi kiểm tra sổ mục kê và bản đồ địa chính năm 1995, thì việc ký mục kê đứng tên Trần Việt Bình, thửa số 89, tờ bản đồ số 4, diện tích 270m2.

Từ kết quả xác minh, phòng Quản lý Đô thị TP.Cà Mau kết luận: Ông Trần Việt Bình ở trên phần đất này từ năm 1989 đến nay, có đăng ký sổ mục kê, bản đồ địa chính.

Còn đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn, tuy ông Tuấn đòi lại phần đất trước đây cho ông Bình mượn nhưng không cung cấp được giấy tờ cho mượn, từ trước đến nay không sử dụng phần đất đang đòi, không có đăng ký sổ mục kê, bản đồ địa chính, từ đó yêu cầu đòi đất của ông Tuấn là không có cơ sở để xem xét.

Tuy nhiên, ngày 12.2.2014, TAND TP.Cà Mau vẫn đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Tại bản án số 14/2014/DS-ST, HĐXX cho rằng: Tuy ông Tuấn chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vào thời điểm trước và khi ông Bình cất nhà đến năm 2002, UBND P.5 có sổ theo dõi mang tên ông Nguyễn Thanh Tuấn.

Từ đó cho thấy việc sử dụng đất của ông Tuấn đã được cơ quan chức năng thừa nhận, nên buộc ông Bình hoàn trả lại giá trị bằng tiền trên phần đất 300m2 mà ông Tuấn kiện đòi đất.

Vụ việc sau đó được TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm ngày 23.6.2015. Tại bản án số 134/2015/DS-PT cũng tuyên ông Bình thua kiện, đồng thời buộc ông Bình trả cho ông Tuấn giá trị đất, với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Luật sư nói gì về bản án?

Trao đổi với PV, ông Lê Công Nghiệp, Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau - cho biết, thời điểm ông Bình được giao đất, ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải cũ (nay là Cà Mau và Bạc Liêu), kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà ở, đất ở của tỉnh.

“Với tư cách là người biết rõ về nguồn gốc đất, tôi cho rằng các bản án của TAND Cà Mau là chưa xem xét đến các chứng cứ cần thiết, suy luận. Từ đó tuyên ông Tuấn thắng kiện là trái với chính sách, trái với quy định pháp luật và đất đai”, ông Nghiệp nói.

Luật sư Nghiệp phân tích: Từ các giấy tờ hiện có, ông Tuấn chỉ có tên trong danh sách được tạm giao đất của sở Xây dựng Minh Hải (năm 1987), ngoài ra không có bất cứ loại giấy tờ nào khác.

Do đó ông Tuấn chưa được giao đất chính thức, chưa được giao quyền sử dụng theo chính sách nhà ở, đất ở của tỉnh lúc đó. Trong khi đó, ông Tuấn vào thời điểm đó đã được nhà nước giao 1 căn nhà ở P.9, TP.Cà Mau, sau đó được hóa giá theo quy định. Còn việc ông Tuấn vẫn có tên trong danh sách được tạm giao đất, trong khi đã được giao nhà là sai so với quy định của tỉnh lúc đó.

“Dù có tên trong danh sách được tạm giao đất, nhưng ông Tuấn đã không thực hiện các quy định của người được tạm giao đất, không đến Công ty Phát triển nhà để làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ, không nộp tiền sử dụng đất, nên theo Luật Đất đai năm 1993 và năm 1998, phần đất ông Tuấn được ghi tên trong danh sách tạm giao trước đó sẽ bị thu hồi”, ông Nghiệp phân tích.

Và hiện nay, do bị cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá để trả tiền cho ông Tuấn, ông Bình không còn nơi ở, nơi thờ tự bà nội là Bà mẹ VNAH. Cựu đại tá công an đau xót phải chấp nhận “gửi” lư hương Bà mẹ VNAH, cùng với 2 lư hương thờ liệt sĩ (được thân tộc giao thờ tự) tại UBND P.5, TP.Cà Mau.

Đồng thời, ông gửi đơn đến các cấp lãnh đạo Đảng, và Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu xem xét hủy bỏ các bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông thua kiện.

Thạch Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Được tạm giao đất rồi bỏ, 30 năm sau vẫn đòi được đất?