Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục năm 2018 cho nhạc sĩ Dương Thụ. Theo Diễn từ Nhận giải của nhạc sĩ, tôi cảm nhận một con người giản dị, khiêm tốn và hình như hơi nhút nhát. “Mê nhạc từ thuở bé nhưng không dám có giấc mơ trở thành nhạc sĩ”, “viết nhạc từ năm 17 tuổi” mà đến gần hai mươi năm sau chỉ mới cho khoảng mười người biết!

Dương Thụ: Đi tìm cuộc sống tự do và đa đạng

le hoc lanh van | 30/03/2018, 11:23

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục năm 2018 cho nhạc sĩ Dương Thụ. Theo Diễn từ Nhận giải của nhạc sĩ, tôi cảm nhận một con người giản dị, khiêm tốn và hình như hơi nhút nhát. “Mê nhạc từ thuở bé nhưng không dám có giấc mơ trở thành nhạc sĩ”, “viết nhạc từ năm 17 tuổi” mà đến gần hai mươi năm sau chỉ mới cho khoảng mười người biết!

Thủa trẻ, ông sống trong môi trường đồng nhất mà theo ông nhận xét là “trong sáng, đơn giản, giàu nhiệt huyết và lý tưởng” vào thời đó. Chất keo kết dính các thành viên là tinh thần kết đoàn, mọi người sống và suy nghĩ “theo kiểu đoàn thể và tập thể”. Sống trong môi trường đó, mỗi người không còn chân dung cá nhân nữa, chỉ có chân dung tập thể thôi. Một lối sống có thể chấp nhận được “cho một đất nước nghèo khổ và chiến tranh”.

Nhưng, khi hòa bình lập lại, cái xã hội đồng nhất đó đã thành đông cứng và những con người như Dương Thụ cảm thấy cô đơn. Sự bùng nổ cá nhân là đương nhiên, tuy nhiên do kinh tế phát triển nhanh hơn văn hóa, nên sự bùng nổ này đưa đến hệ quả đáng buồn. “Trên một nền tảng vật chất khá hơn xưa nhưng nền tảng văn hóa còn thấp”, một dạng thức kết nối xã hội mới, “kết nối đám đông” thay cho “kết nối đồng chí” thủa nào. Kết nối đám đông này đã tàn phá khủng khiếp nền văn hóa bằng cách tạo ra “những trang mạng bẩn và tục tĩu, tạo ra cái gọi là nhạc thị trường và giới Showbiz Việt với những “ông hoàng”, những “divo diva tự phong”, những “thần tượng” âm nhạc cùng các fan cuồng…”. Xã hội mất đi một cách nhanh chóng tính trung thực và tử tế.

Mê âm nhạc, muốn làm việc mình yêu thích, muốn được chính là mình, dòng đời đưa ông vào Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông giảng dạy và sáng tác. Dương Thụ chuyển dần sang sáng tác nhạc “để sống với phần sâu thẳm nhất của tâm hồn mình”, “để đi tìm ngôn ngữ biểu đạt riêng, để được mơ, để được yêu thương, để được là chính mình”. Những lời tâm sự cho ta thấy ông xoay trở, tìm tòi thoát khỏi cuộc sống chì có chân dung tập thể để xác định chân dung của riêng mình.

Mười năm hoạt động tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thành phố một thời chưa xa là Sài Gòn đa dạng và phồn hoa, được xây dựng nên bởi người Việt từ ba miền đất nước, người Hoa, nơi trộn lẫn văn hóa phương Đông và phương Tây, nơi dung chứa mọi khuynh hướng tư tưởng, nơi dù thời cuộc thay đổi vẫn còn lưu đậm không khí tự do học thuật... Dương Thụ đã sống, đã mơ, đã yêu thương một cách tự nhiên như hít thở khí trời...

Sau mười năm vẽ chân dung cho riêng mình, Dương Thụ trở về thăm Hà Nội, nơi ông nhận ra hình ảnh đặc trưng của chân dung tập thể lúc đó là “mũ cối”. Không phải mũ cối đội đầu các anh bộ đội trên phố trong những ngày về phép, hay mũ cối tại doanh trại quân đội trong thành phố, mà là mũ cối cùng khắp Hà Nội. “Một Hà Nội mũ cối xoá nhoà mọi sự khác biệt của các tầng lớp người. Lính và dân thường: mũ cối; Văn nghệ sĩ trí thức và người làm ăn: mũ cối”.

Dương Thụ kết luận: xã hội như thế không sản sinh ra và cũng không dung chứa tầng lớp tinh hoa.

Trong khi sáng tác theo cái riêng mình cảm, mình yêu thích, Dương Thụ dần dần vẽ ra được chân dung riêng của mình. Trên con đường đó, ban đầu ông thấy cô đơn. Dần dần ông nhận ra có những người bạn cũng đang tự cựa quậy thoát khỏi cái tập thể đồng nhất để tìm cái cá nhân, những người muốn sống, muốn suy nghĩ độc lập... Những cá nhân giống nhau ở ước vọng sống và suy nghĩ độc lập đó khi kết nối với nhau tạo nên sức mạnh văn hóa, học thuật, cách tân và đưa xã hội tiến nhanh hơn về phía văn minh, giàu có tri thức.

Sự kết hợp này, khác hẳn với sự “kết hợp đồng chí” thời chiến tranh xa kia, cũng khác hẳn sự “kết nối đám đông” gần đây. Bởi vì đó là kết nối của những con người tôn trọng tính chất cá nhân của nhau, trong khi tìm cách học hỏi và thể hiện nét riêng của mình, cũng đồng thời học hỏi và dung hợp cái riêng của nhau. Sự cộng hưởng của kiến thức cùng hướng, sự chấp nhận của kiến thức trái chiều đưa mỗi người và đưa nhóm bạn thăng hoa. Tầng lớp tinh hoa xuất hiện, được nuôi dưỡng, phát triển từ môi trường sống, học hỏi và hoạt động như thế.

Nhà văn Nguyên Ngọc (Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) trao Giải văn hóa Phan Châu Trinh 2018 – hạng mục “Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục” cho nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: L.Ngạn

Các chương trình công chúng do ông khởi xướng và góp công sức như “Nửa Thế Kỷ Bài Hát Việt Nam” hay “Điều Còn Mãi” ra mắt, sống trong lòng công chúng và tạo sự kết nối lành mạnh, tử tế.

Tuy nhiên, chương trình Cà Phê Thứ Bảy mới thực sự đem tới một sự kết nối rộng hơn rất nhiều, rộng về các tầng lớp quần chúng như sinh viên, nhà văn, nhà báo, giới học thuật... và rộng cả về đề tài, lãnh vực như khoa học, văn học, giáo dục, sử, triết, môi trường... Chương trình này được Quỹ Phan Châu Trinh đánh giá cao và trao ông Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục năm 2018. Trong khi Quỹ cám ơn ông vì Cà Phê Thứ Bảy “là một đóng góp rất to lớn, một điểm sáng cho ta còn giữ niềm tin và hy vọng, đặc biệt trong tình hình văn hóa xã hội phức tạp và đáng lo hiện nay” thì Dương Thụ tìm thấy trong Cà Phê Thứ Bảy của mình sự hình thành một lớp người trẻ tuổi, có học, suy nghĩ độc lập, khẩu vị văn hóa đa dạng: đọc sách, xem phim, thưởng thức âm nhạc, hội họa. Họ sống trực tính, thực tế, ít bị chính trị hóa như những thế hệ đi trước. Ông hy vọng từ cộng đồng những con người đó sẽ xuất hiện tầng lớp tinh hoa.

Nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu trong Tọa đàm mùa xuân:“Dựng lại niềm tin”củaTạp chí Người Đô Thịtổ chức tháng 1.2018, tại Salon văn hóa của Cà Phê Thứ Bảy -Ảnh: Quý Hòa

Vậy đó, không nhằm tuyên truyền một lý tưởng nào hay giáo dục một ai, Dương Thụ chỉ cặm cụi hoạt động cho các kết nối, tạo mội trường hỗ trợ mỗi cá nhân tự do tìm con đường phát triển độc lập của riêng mình. Từ đó mà có sự đa dạng, và đa dạng thúc đẩy phát triển.

Lê Học Lãnh Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dương Thụ: Đi tìm cuộc sống tự do và đa đạng