Xưa nét chữ học trò đi vào thơ ca, âm nhạc như một hình ảnh thân thương. Nét chữ học trò tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên. Còn nay? Eo ôi, nét chữ học trò !
Chữ viết học trò, nhất là nét chữ học trò cấp 3 hiện nay, đáng báo động không kém gì nạn bạo lực học đường hay trào lưu câu like nhảm nhí, méo mó của giới trẻ mà chúng ta đã lên tiếng bấy lâu nay. Khác chăng là bạo lực học đường, những trò câu like thì ồn ào, ầm ĩ, còn sự xuống cấp về chữ viết thì âm thầm, chìm khuất. Chìm khuất nhưng nhức nhối không kém gì, vì đây là sự xuống cấp bề sâu của văn hóa: văn hóa chữ nghĩa, văn hóa thẩm mỹ !
“Chữ nghĩa” gồm “chữ” và “nghĩa”, muốn hiểu “nghĩa” trước hết phải thông qua “chữ”. Thế mà chữ viết phần lớn học trò ngày nay “biến dạng” khôn lường. Nghịch lý thay, càng học lêm cao, chữ viết càng... xấu. Không chỉ xấu mà còn rất cẩu thả, cẩu thả kinh khủng.
Khổ nỗi thầy cô vừa chấm bài học trò vừa “dịch”, vừa đoán, lấy chữ “dịch” được để đoán chữ “dịch” không ra. Nhiều em viết không ra chữ, nét chữ rất tùy tiện, vô lối, thích viết kiểu gì thì viết. Chữ nghiêng không ra chữ nghiêng, chữ đứng không ra chữ đứng. Những nét bút loăn xoăn, lập lờ, loằng ngoằng trên trang giấy... thật khó tả.
Nhưng phải chi trình bày sạch sẽ, những em viết chữ xấu thường rất ẩu, gạch bỏ thì gạch bừa, thay vì dùng thước gạch ngang thì dùng bút tô đậm, bôi đen loang lổ; có em thì dùng bút xóa tô lỗ chỗ, nham nhở trông rất khó coi.
Những em viết chữ xấu và ẩu thường đi đôi với sai chính tả, sự cẩu thả này dẫn đến sự cẩu thả khác. Sai chính tả từ những chữ thông dụng nhất, đơn giản nhất, kể cả quy tắc viết hoa. Nhiều em rất tùy tiện, cảm tính khi viết chữ. Trong một từ, vừa có chữ viết thường, vừa có chữ viết hoa, (chẳng hạn như từ viỆt NaM, đẤT NưỚc); dấu sắc thì viết ngang như dấu huyền; dấu hỏi và ngã đều viết như nhau !
Một số em do quen viết theo kiểu “teen” trên tin nhắn, facebook nên trong bài kiểm tra cũng ghi theo kiểu đó, chẳng hạn: vs (với), ko kan (khó khăn), qay qan (quây quần), sy ngi (suy nghĩ), tenh iu (tình yêu)...
Nhiều em như muốn “đánh đố” thầy cô, không chỉ chữ mà cả con số, các em cũng viết rất ẩu: số 1, 2, 7; số 3, 5; số 0, 6 viết gần như nhau.
Lỗi của học trò nhưng cũng chính là lỗi của thầy cô chúng ta. “Sản phẩm” chữ viết của các em chính là “sản phẩm lỗi” của giáo dục mà thầy cô là người “nhào nặn” trực tiếp đó thôi.
Chữ viết cấp 1 của các em không quá tệ, nhưng lên cấp 2 thì xấu dần và đến cấp 3 thì xấu, cẩu thả đến mức trầm trọng. Số học sinh viết cẩn thận, rõ ràng rất ít, viết chữ đẹp ngày càng hiếm hơn. Vì sao nên nông nổi này ? Phải chăng học càng lên cao chương trình càng quá tải, giờ học thầy cô bắt các em ghi chép quá nhiều, các em phải viết nhanh mới kịp ? Phải chăng việc uốn nắn chữ viết của học sinh không phải là nhiệm vụ của giáo viên cấp 2, cấp 3 ? Và một điều tế nhị nữa, liệu các thầy cô cấp 2, cấp 3 đã làm gương cho các em về chữ viết hay chưa ? Tại sao không thể cộng điểm ưu tiên cho học sinh trình bày bài làm cẩn thận, chữ đẹp ?
Chữ viết tệ, nguyên nhân chính là ở các em, do thói quen cẩu thả mà ra. Các em đã tự làm hỏng chữ viết của mình mà không biết. Có điều cần phải nói, một thế hệ xuống cấp về chữ viết, xuống cấp về thẩm mỹ chữ nghĩa nhưng thầy cô đã làm ngơ, ngành giáo dục chẳng hề quan tâm. Những cuộc thi chữ đẹp ở bậc Tiểu học có còn ý nghĩa nữa không khi bậc THCS, THPT “thả nổi” chữ viết của học trò ? Ngành giáo dục “đổi mới” xoành xoạch, nào là mô hình nọ, mô hình kia, hình thức thi cử... nhưng “quên” mất việc giáo dục học trò qua nét chữ. “Nét chữ nết người”, cha ông ta từ xưa đã đúc kết như vậy.
Ngày nay càng không phải vì có máy vi tính mà chữ viết, nét chữ không quan trọng nữa. Điều này cũng giống như không vì có máy tính mà người ta không cần học tính toán. Chữ viết gắn liền với ngôn ngữ và tư duy. Xem thường chữ viết sẽ phải trả giá khôn lường.
Theo xu hướng hiện nay, rồi đây tất cả những bài kiểm tra, những kỳ thi theo hình thức trắc nghiệm, đúng là rất khách quan, chính xác, tiện lợi, giảm kinh phí thi cử. Nhưng kỹ năng lập luận, kỹ năng trình bày của người học thì sao ? Và chữ viết của các em nữa ? Nghĩ đến đây chắc không ít người phải băn khoăn, lo lắng...
Lê Xuân Chiến
(GV. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước, Quảng Nam)