Ngày 6.2, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực truyền thông xã hội như Facebook, Google và một nhóm các cơ quan thông tin đã khởi động sáng kiến "Kiểm chứng chéo" nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch tại Pháp, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống tại nước này sắp diễn ra.
Facebook - trang mạng xã hội thu hút khoảng 1,65 tỉngười trên thế giới sử dụng mỗi tháng (theo thống kê của Facebook trong quý 1/2016) - cho biết sẽ làm việc với một số cơ quan báo chí hàng đầu của Pháp, trong đó có hãng thông tấn AFP, kênh truyền hình BFM và các tờ báo L'Express và Le Monde, để đảm bảo rằng các nội dung thông tin sai sự thật sẽ không được đăng tải. Google cũng tham gia vào sáng kiến trên.
Facebook vừa qua vấp phải sự chỉ trích rằng đã không làm tròn trách nhiệm để chặn các thông tin sai lệch được đăng tải trên trang mạng xã hội này trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Đáp lại, Facebook cam kết tìm kiếm các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề trên. Hiện cũng có nhiều quan ngại tương tự cho rằng các nội dung thông tin sai lệch có thể được đưa lên Facebook trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào tháng 4, tháng 5 tới.
Facebook cho biết những người sử dụng mạng xã hội này tại Mỹ sắp tới sẽ có thể dễ dàng đánh dấu những bài báo được cho là xuyên tạc và sẽ làm việc với các tổ chức như trang mạng kiểm chứng sự thật gồm Snopes, ABC News và AP (của Mỹ), để thẩm định tính xác thực của các thông tin được đăng tải.
Tháng trước, Facebook cũng đã nêu sáng kiến ngăn chặn thông tin bịa đặt tại Đức, nơi giới chức chính phủ trong thời qua đã bày tỏ lo ngại những thông tin sai lệch và "những phát ngôn đầy hận thù" trên mạng internet có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này vào tháng 9 tới.
Theo Vietnam+