“Khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ Việt Nam đổ vào các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất. Hiện tượng này được gọi là chảy máu ngoại tệ…”

Fed liên tục tăng lãi suất, chuyên gia kinh tế lo sợ ‘chảy máu’ ngoại tệ

tuyetnhung | 19/03/2017, 14:14

“Khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ Việt Nam đổ vào các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất. Hiện tượng này được gọi là chảy máu ngoại tệ…”

Sau nhiều đồn đoán, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức công bố tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, đạt mức 0,75-1% vào ngày 15.3 vừa qua. Như vậy, tính trong 3 tháng gần đây, sau lần tăng lãi suất vào giữa tháng 12.2016, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 0,5%. Điều này cho thấy dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế Mỹ dưới quyền kiểm soát của Tổng thống Donald Trump trong hơn 2 tháng qua.

Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất lại đặt ra nhiều câu hỏi về tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trao đổi với Báo điện tửMột Thế Giới, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết động thái tăng lãi suất lên 0,25% vừa qua là nằm trong kế hoạch của Fed. Bởi vì, thông thường, Fed sẽ quyết định tăng lãi suất khi tỷ lệ lạm phát tiệm cận 2% và tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%.

Trong 3 tháng gần nhất, số việc làm mới ở Mỹ được tạo ra trung bình khoảng 209.000 việc làm/tháng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 2007 là 4,7%. Sau khi công bố quyết định tăng lãi suất, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết bà lạc quan vào tương lai của nền kinh tế Mỹ và dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay sẽ đạt khoảng 2,1%.

"Kế hoạch tăng lãi suất lần này của Fed đã có từ năm ngoái, không phải do yếu tố bất thường nào tác động như nhiều tin đồn gần đây. Đây là một điều bình thường của ngân hàng trung ương khi họ thấy rằng cần phải kiềm chế lạm phát nên họ tăng lãi suất để siết chặt chính sách tiền tệ", ông Hiếu nói.

Tác động bởi chính sách tăng lãi suất lần này của Fed, ông Hiếu cho rằng khi lãi suất tăng lên sẽ kéo những giá trị tài sản được tính bằng đồng USD tăng lên, ngay cả giá trị đồng USD cũng tăng lên. Điều này sẽ thu hút nguồn vốn lớn đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt là các dòng vốn sẽ rời khỏi những thị trường mới nổi như Việt Nam để trở về Mỹ.

Theo đó, ông Hiếu dự báo thời gian tới, một nguồn tiền lớn sẽ chảy về Mỹ. Việc này sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn nếu thời gian tới Fed tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, Fed có đánh giá trong năm 2017 sẽ tăng 3 lần lãi suất. Nếu mỗi lần đơn vị này tăng 0,25% lãi suất thì thị trường tài chính Mỹ sẽ trở nên cực kỳ hấp dẫn thời gian tới.

Phân tích sâu hơn về tác động tới nền kinh tế Việt Nam, ông Hiếu nói chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ tác động tới Việt Nam theo 2 hướng chính. Thứ nhất là sẽ có sự chuyển dòng tiền đầu tư từ Việt Nam về Mỹ.

Thứ hai là làm tăng áp lực tỷ giá lên tiền đồng đối với đồng USD. Vì khi giá đồng USD tăng mà đồng Việt Nam ổn định thì giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước sẽ đắt đỏ hơn và doanh nghiệp Việt có thể mất tính cạnh tranh trên hàng xuất khẩu.

Chính vì thế, có thể tại một thời điểm nào đó, nếu áp lực quá lớn thì Việt Nam sẽ phải điều chỉnh tăng tỷ giá tiền đồng để hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước khác rẻ hơn.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đánh giá khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ Việt Nam đổ vào các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất. Hiện tượng này có thể được gọi là "chảy máu" ngoại tệ. Thời gian tới, để chặn đứng điều này thì có thể cho phép các ngân hàng trả lãi suất trên tiền gửi đô-la mà hiện tại là bằng 0%.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Trí Hiếu, TS Cấn Văn Lực - Phó Tổng giám đốc, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, cũng cho rằng chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ gây áp lực dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU...

Bên cạnh đó, chính sách này sẽ tác động đến lãi suất của các đồng tiền trên thế giới. Khi Fed tăng lãi suất, không chỉ các đồng tiền chung như Euro, Bảng, Yên mà các đồng tiền trên thế giới khác cũng chịu tác động bởi lãi suất đồng USD toàn cầu tăng, kéo theo lãi suất của các đồng tiền khác phải tăng theo, Việt Nam nằm trong rủi ro này.

Về áp lực đối với tỷ giá, theo ông Lực, khi Fed tăng lãi suất cộng với chính sách của Tổng thống Donald Trump thì giá USD sẽ được dự báo tăng lên khá là nhiều trong năm nay. Khi đồng USD tăng giá sẽ tạo áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa, giảm giá với nhiều loại ngoại tệ khác nhau trong đó có tiền đồng, nguy cơ các nước nhập khẩu nhiều sẽ gia tăng nhập siêu, nước xuất khẩu sẽ được lợi.

Ngoài ra, ông Lực bổ sung thêm Việt Nam có thể gánh chịu rủi ro khác là tác động đến nợ công và nợ nước ngoài. Nhiều nước trong bối cảnh nợ nước ngoài vẫn được tính bằng đồng USD, bằng lãi suất USD trong thời gian vừa qua. Nợ nước ngoài của toàn cầu ở các nước đang phát triển tăng gấp đôi trong 8 năm qua. Điều này tạo ra gánh nặng trả nợ, gánh nặng lãi suất đối với các nước này lớn hơn khi đồng USD tăng giá trong thời gian tới.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Fed liên tục tăng lãi suất, chuyên gia kinh tế lo sợ ‘chảy máu’ ngoại tệ