Tối 16.11, tỉnh Vĩnh Long long trọng khai mạc "Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024". Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc hy vọng “những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mang nét đặc trưng văn hóa của vùng mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương”.
Đây là sự kiện do tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với quy mô cấp khu vực - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với sự tham gia của TP.HCM và một số tỉnh thành ở miền Trung, miền Bắc.
Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ 1 năm 2024 được tổ chức tập trung vào hai nội dung chính là gạch gốm đỏ và kinh tế xanh. Sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá những tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít và hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL; tôn vinh những đóng góp vì sự phát triển nền nông nghiệp xanh nói riêng, phát triển bền vững kinh tế xanh ĐBSCL nói chung.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết việc tổ chức Festival nhằm tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ hơn 100 năm nay. Nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng trung tâm Tây Nam Bộ, trong cái nôi chung gắn kết các vùng miền cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước.
Đồng thời, Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024 nhằm triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chia sẻ, thông qua Festival, tỉnh mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Vĩnh Long trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh của tỉnh.
Phát biểu tại Festival, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tại Vĩnh Long có ý nghĩa vô cùng to lớn và là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, bản sắc độc đáo của vùng đất Vĩnh Long anh hùng quyết tâm chuyển mình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của ĐBSCL và cả nước.
Theo Phó thủ tướng Phớc, Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để Vĩnh Long giới thiệu hình ảnh về một nền kinh tế xanh, bền vững, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Phó thủ tướng hy vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, không chỉ là đặc trưng văn hóa của vùng mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với quê hương Vĩnh Long.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời bày tỏ: “Chúng tôi xin hứa với Phó thủ tướng và các bộ ngành trung ương, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với khai thác tiềm năng du lịch của Làng nghề gạch gốm Mang Thít, cũng như xây dựng, khai thác hiệu quả Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL trên cơ sở gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của cả nước, của khu vực và của tỉnh, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh; đồng thời, lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của các di sản, các làng nghề, các đặc trưng của đời sống sản xuất Nam Bộ nói riêng, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam nói chung, để giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế và lưu truyền cho các thế hệ mai sau”.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc Festival, tỉnh Vĩnh Long công bố đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Quy hoạch này đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới; bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực, nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Việc quy hoạch sẽ khai thác được các giá trị và tiềm năng tổng thể, phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực khác, hình thành hệ sinh thái cảnh quan - di sản - dịch vụ.
Tại Festival còn có khu hội chợ, triển lãm công thương, nông nghiệp, du lịch với quy mô 700 - 800 gian hàng; các hoạt động hội nghị, hội thảo liên quan tới kinh tế xanh, phát triển bền vững; không gian trưng bày; tổ chức công diễn và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam (với nguyên liệu chính từ tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long)… Với kỳ vọng đưa khu di sản đương đại Mang Thít trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch của Vĩnh Long, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh sẽ xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dự án Khu lò gạch, gốm Mang Thít (dự án Khu di sản đương đại Mang Thít) tại các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít với diện tích 3.060ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 3.450 tỉ đồng, theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.