Cũng trong buổi chiều Petrolimex tuyên bố giảm giá xăng xuống 150 đồng/lít thì một số doanh nghiệp gas tại TP.HCM cho biết: giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng 4.000 đồng/bình 12kg so với giá hiện hành, áp dụng từ ngày hôm nay 1.10.
Tính ra, giá gas bán lẻ phổ biến tại khu vực TP.HCM sẽ dao động ở mức 381.000 đồng đến 392.000 đồng/bình 12kg. Riêng có công ty gas Petrolimex vẫn giữ giá hiện hành.
Các công ty gas nói trên giải thích rằng, mặc dù giá gas nhập khẩu thế giới trong tháng 10 giảm 15 USD/tấn (chốt ở mức 750 USD/tấn) nhưng chi phí vận chuyển, bảo hiểm… (phí Premium) tăng khá mạnh, ở mức gần 30 USD/tấn. Do đó, họ phải nâng mức giá gas bán lẻ ra thị trường.
Gas và xăng là 2 mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Việc giá xăng giảm nhỏ giọt cùng lúc với giá gas tăng ở mức... nhẹ, dự báo cũng có thể càng khiến người dân thêm "thắt lưng buộc bụng".
Cách đây vài ngày, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2014, tăng 0,4% so với tháng 8.2014, với nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là chi phí giáo dục tăng.
Nhưng xét kỹ lại thì rõ ràng chỉ số của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng 0,22% với mức tăng cao nhất là các mặt hàng lương thực 0,35%, thực phẩm tăng 0,21% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%.
Một lưu ý nữa là cũng từ 1.10, Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch sinh hoạt với mức cao nhất là 13.377 đồng/m3 đối với những hộ gia đình sử dụng trên 30m3/tháng. So với mức giá bình quân năm 2013 thì giá nước đã tăng 24,8%.
Chỉ có giá điện là được Bộ Công Thương hứa hẹn tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 8 sẽ không tăng trong thời gian tới.
Mà đừng quên rằng từ đầu năm tới, người dân ở cả TP.HCM và Hà Nội sẽ phải đóng thêm phí lưu hành xe máy thường niên.
Vậy liệu rằng với tình hình giá cả như trên thì mức tăng lương cơ bản tối thiểu vừa rồi có hỗ trợ được phần nào cho người lao động?
Thi Anh