Dù đã có chỉ thị giảm giá từ Bộ Tài chính nhưng giá sữa ở Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn nhiều so với giá sữa của các nước trong khu vực ASEAN. Thông tin trên được Vụ Kinh tế tổng hợp Bộ Ngoại giao cho biết.

Giá sữa Việt Nam vẫn cao hơn các nước ASEAN

Một Thế Giới | 23/04/2015, 11:23

Dù đã có chỉ thị giảm giá từ Bộ Tài chính nhưng giá sữa ở Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn nhiều so với giá sữa của các nước trong khu vực ASEAN. Thông tin trên được Vụ Kinh tế tổng hợp Bộ Ngoại giao cho biết.

Giá gấp rưỡi các nước trong khu vực

Ngày 21.4, 50 mặt hàng sữa thuộc các  hãng sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo phải giảm giá từ 0,4-4%. Tuy nhiên, theo số liệu được Vụ Kinh tế tổng hợp Bộ Ngoại giao cung cấp, giá bán bình quân sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi của Việt Nam đang cao hơn các nước trong ASEAN.

Cụ thể, 1kg sữa bán tại VN là 16 USD, trong khi bán tại Thái Lan là 14 USD, còn Philippines là 12 USD, Malaysia là 10 USD và Indonesia là 9,5 USD. Từ các phân tích trên cho thấy mục tiêu bình ổn giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi cần phải tiếp tục củng cố” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chínhcho hay.

Theo ông Tuấn, sau gần một năm áp dụng biện pháp áp giá trần đối với 686 mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, về cơ bản mặt bằng giá sữa mới đã được thiết lập, cơ bản giữ ổn định liên tục trong 11 tháng qua.

Giá sữa bán lẻ dành cho trẻ dưới 6 tuổi của tất cả hãng sữa đều giảm 0,1- 34% so với thời điểm trước khi áp trần giá sữa. Bên cạnh đó, mấy tháng đầu năm nay có 3-4 lần doanh nghiệp kê khai tăng giá bán sữa, nhưng năm qua không có tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì cho biết, giá sữa nguyên liệu trên thế giới trong 2-3 tháng trở lại đây giảm rất sâu, nhưng giá sữa bán lẻ tại Việt Nam vẫn chưa giảm. Do đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi.

“Đến tháng 5 tới nếu giá sữa nguyên liệu trên thế giới tiếp tục ở mức thấp mà giá bán lẻ trong nước không giảm thì không loại trừ việc Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra các biện pháp hành chính” – Bộ trưởng nói.

Mặt khác, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm bán trong nước không giảm. Theo dự báo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem, bột whey có xu hướng giảm bình quân khoảng 5,8% trong năm 2015. Giá bán lẻ sữa cho trẻ em tại một số nước trong khu vực thấp hơn sản phẩm tương tự tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo khảo sát, dù đã có chỉ thị giảm giá sữa nhưng nhiều đại lý vẫn không thực hiện hoặc thực hiện mang tính đối phó với mức giảm cực kì ít ỏi.

Gặp khó việc chuẩn hóa

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan này là việc kiểm soát yếu tố hình thành giá để xác định các mức tăng, giảm giá của doanh nghiệp có phù hợp không. 
"Thực tế trên thị trường cho thấy, người tiêu dùng vẫn quen gọi các mặt hàng này là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng nếu gọi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không còn sản phẩm sữa mà chỉ có sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ" - ông Tuấn nói

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan vẫn phân loại theo tiêu chuẩn HS (tiêu chuẩn hải quan thế giới), vẫn có cả mã số áp cho sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, vì không chuẩn hóa được tên gọi sản phẩm nên Bộ cứ vừa áp trần giá bán buôn sản phẩm này, buộc kê khai giá sản phẩm kia thì ngay lập tức, vài ngày sau trên thị trường lại đẻ ra một loạt các sản phẩm mới hoàn toàn không có tên trong danh mục sản phẩm bình ổn giá.

“Sữa có quá nhiều thành phần, chỉ cần tăng giảm một chút là lại cho ra sản phẩm mới nên cơ quan quản lý khó để đưa vào danh mục bình ổn giá", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng  đề nghị Bộ Y tế cần phải có quy định làm rõ tên gọi, thành phần từng loại sản phẩm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt, phải có hướng dẫn và tư vấn từng loại cho người tiêu dùng. Như vậy, mới khắc phục được tình trạng loạn sản phẩm, loạn giá sữa như hiện nay.

Theo thông báo của ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ cũng vừa có văn bản trình Chính phủ về việc tiếp tục áp dụng giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết năm 2016 thay vì đến hết tháng 5 năm nay.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2014 giá trị kim ngạch nhập khẩu sữa đạt hơn 1,1 tỉ USD, tăng nhẹ 1% so với năm 2013. Thị trường nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2014 chủ yếu là từ New Zealand, với tỉ trọng chiếm 26,5%; tiếp đến là từ thị trường Mỹ, chiếm gần 24 % và khoảng 10% tổng kim ngạch là nhập từ thị trường Singapore…

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đặt ra một loạt câu hỏi cho đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ và các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc rằng phải chăng có sự bắt tay giữa các công ty sữa để nâng giá sữa bán tại Việt Nam? Tại sao giá sữa tại Việt Nam lại cao hơn các nước trong khu vực?

Hoàng Long (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá sữa Việt Nam vẫn cao hơn các nước ASEAN