Ngay sau khi giá xăng tăng thêm 580 đồng/lít vào ngày 18.12, giá các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng tại Hà Nội nhanh chóng "leo thang" từ 5-10%. Trong khi đó, giá cả tại TP.HCM chưa có dấu hiệu "leo thang".

Giá thực phẩm “leo thang” theo giá xăng

Một Thế Giới | 19/12/2013, 17:23

Ngay sau khi giá xăng tăng thêm 580 đồng/lít vào ngày 18.12, giá các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng tại Hà Nội nhanh chóng "leo thang" từ 5-10%. Trong khi đó, giá cả tại TP.HCM chưa có dấu hiệu "leo thang".

Hà Nội: Thực phẩm tăng giá từ 5 - 10%
Theo khảo sát của phóng viên Một Thế Giới vào sáng ngày 19.12, tại một số chợ như chợ Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Thành Công... các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, rau, củ, hải sản đều tăng giá.
Cụ thể, giá thịt lợn tại chợ Cầu Giấy tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, lên mức 90.000 - 100.000 đồng/kg; giá thịt gà công nghiệp tăng 5.000 đồng/kg, lên mức 75.000 - 80.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn tăng 10.000 đồng/kg, phổ biến khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg.
Đối với các mặt hàng rau củ cũng tăng trung bình từ 1.000 - 5.000 đồng tùy loại. Giá rau bắp cải tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg, lên mức 15 - 20.000 đồng/kg; cà chua tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg, phổ biến ở mức 20 - 25.000 đồng/kg; khoai tây tăng từ 4.000 - 5.000 đồng, ở mức 18.000 - 24.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm… cũng tăng nhẹ. Cụ thể, cá chép tăng khoảng 5%, lên mức 75.000-85.000 đồng/kg; tôm sú tăng 5%, lên mức 190.000 - 200.000 đồng/kg; cá quả tăng lên mức 120.000 - 125.000 đồng/kg.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng khác như đường, trứng, sữa... chưa tăng giá hoặc tăng nhẹ từ 2 - 5%.
Gia thuc pham “leo thang” theo gia xang
Giá các loại thực phẩm tăng từ 5 - 10% ngay sau khi giá xăng tăng
Chị Nguyễn Thị Thương (tiểu thương bán rau tại chợ Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, sáng ngày 18.12 giá cả các mặt hàng rau củ vẫn ổn định, nhưng đến sáng 19.12, khi chị đi lấy hàng ở chợ đầu mối thì một số loại rau củ đã tăng so với trước.
"Tôi nghe nói là giá xăng tăng nên tiền ô tô vận chuyển rau củ về chợ cũng phải tăng theo, thành ra rau củ nhập vào đều đắt hơn so với trước. Tôi đi lấy hàng cũng mất thêm tiền xăng xe máy nên phải tính thêm vào một ít vào hàng bán ra" - chị Thương nói.
Giống chị Thương, chị Tuyết Anh (tiểu thương bán hải sản tại chợ Hôm) cũng quyết định tăng giá bán lẻ một số mặt hàng thủy sản như cá, tôm.
"Sáng nay nhập hàng, tôi phải trả thêm 20.000 đồng/1 thùng tôm, và 2.000 đồng/1kg cá. Người ta bảo giá xăng tăng rồi nên phải mất thêm một ít tiền vận chuyển từ Nam Định về đây. Nhập vào đắt nên bán ra cũng phải đắt hơn thôi chứ chẳng ai muốn" - chị Anh cho biết.

TP.HCM: Giá cả chưa tăng theo xăng

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 19.12, giá cả các mặt hàng tại các chợ lẻ lớn như Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám khá ổn định. Hầu hết các tiểu thương chuyên bán thịt ở chợ cho biết việc xăng tăng hôm qua không ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng này. Gần dịp lễ giáng sinh và tết, giá thịt nhích lên là do sức mua của khách hàng khá lớn, đây là điều bình thường đã nhiều năm qua. 
Chẳng hạn, chị Minh, chuyên bỏ sỉ mặt hàng trứng gà cho biết: “Bốn ngày hôm nay, giá trứng tăng từ 500 - 1.500 đồng/1 chục và được dự đoán sắp tới sẽ còn tăng nữa do vào mùa cao điểm, nhu cầu tiêu thụ mạnh”. Còn anh Toàn, một tiểu thương chuyên lấy rau ở chợ nông sản Thủ Đức cho biết: “Từ nay đến tết, giá rau còn có xu hướng giảm đi vì lượng hàng về nhiều, ít sâu bệnh”. 
Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) thì được biết: “Giá cả các mặt hàng ở chợ đầu mối khá ổn định, chưa có biến động. Giá cả tăng không chỉ phụ thuộc vào giá xăng mà còn do nguồn hàng, chênh lệch giữa cung và cầu, định giá giữa các chợ khác nhau, không loại trừ việc “té nước theo mưa”. Hàng ngày, ban giám đốc chợ vẫn báo cáo tình hình lên Sở công thương để có biện pháp bình ổn giá cả kịp thời”.
Duyên Duyên - Hoàng Lan
 
Bộ Tài chính: "Tăng giá xăng không ảnh hưởng lớn đến giá cả"
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu trong nước ngày 18.12 là do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và các doanh nghiệp bị thua lỗ. Các cơ quan quản lý đã cân nhắc và sử dụng hết các biện pháp cần thiết nên đây gần như là "bất khả kháng".
"Việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến giá cả các mặt hàng Tết bởi đến thời điểm này, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã chuẩn bị trước lượng hàng Tết" - bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Một Thế Giới, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, không thể nói tăng giá xăng là không ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
"Bất kỳ cái gì tăng giá cũng đều ảnh hưởng đến thị trường. Chưa kể là việc tăng giá xăng từ trước đến nay gần như là ngọn nguồn của việc tăng giá mọi thứ.
Bên cạnh đó, việc giá xăng tăng vào những ngày giáp Tết như hiện nay, dù có không tác động lớn cũng vô hình tạo điều kiện, tạo cái cớ cho giá cả các mặt hàng khác leo thang.
Theo lẽ thường, ta sẽ phải cố gắng kìm chế lạm phát, kìm chế giá vào những dịp cuối năm để nó không tăng phi mã, nhưng đằng này lại ngược lại. Tạm không đề cập đến Nghị định 84, vì chúng ta đã tranh cãi quá nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ muốn  đặt ra câu hỏi là tại sao lại tăng giá xăng vào thời điểm này? Tại sao không để dành quỹ bình ổn giá để sử dụng vào những thời điểm quan trọng như thế này, mà cứ vung tay trích quỹ bình ổn để đến giờ kêu âm quỹ rồi đòi tăng giá?" - một chuyên gia kinh tế giấu tên nhận xét.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thực phẩm “leo thang” theo giá xăng