Thị trường vàng trong nước sáng 21.8 lại tiếp tục trải qua một phiên giao trồi sụt bất thường. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khách hàng giao dịch vàng được báo với nhiều mức giá khác nhau khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 21.8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 55,55 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 56,95 triệu đồng/lượng, cùng tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với giá đóng cửa ngày hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng niêm yết giá vàng miếng tại thị trường TP.HCM mua vào ở mức 55,25 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 56,6 triệu đồng/lượng, tăng 750.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán. Tại thị trường Hà Nội, DOJI niêm yết vàng miếng ở mức 55,25 - 56,35 triệu đồng/lượng, thấp hơn 250.000 đồng/lượng ở chiều bán so với thị trường TP.HCM.
Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng tại thị trường Hà Nội và TP.HCM ở cùng mức giá 53,5 - 54 triệu đồng/lượng, giữ nguyên mức giá ở cả 2 chiều mua và bán so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Tương tự, tại các ngân hàng, Eximbank niêm yết giá mua - bán vàng lúc mở cửa phiên ở mức 55,7 - 56,5 triệu đồng/lượng, cùng tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Vàng SJC ở Maritime Bank có giá mua - bán ở mức 55,26 - 57,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua lẫn chiều bán.
Tuy nhiên, đến thời điểm 10 giờ, giá vàng lại được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm xuống. Cụ thể, giá vàng tại Công ty SJC được điều chỉnh giảm xuống mức 55,15 - 56,57 triệu đồng/lượng, tức giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 380.000 đồng/lượng ở chiều bán so với lúc mở phiên. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC vẫn ở mức 1,42 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đầu ngày hôm nay ở mức 1.945 USD/ounce, tăng 15 USD so với ngày hôm trước. Riêng hợp đồng vàng giao tháng 12 lại giảm 23,80 USD/ounce, xuống 1.946 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 10.2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.948 USD/Ounce, tăng 10,2 USD/ounce trong phiên.
Giá vàng thế giới tăng giảm thất thường do thị trường lại dấy lên những lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế. Vàng thế giới cũng tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh do giới đầu tư thất vọng vì động thái không rõ ràng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Sau biên bản cuộc họp của Fed, vàng chịu áp lực giảm giá mạnh khi giới đầu tư không nhận được thêm thông tin mới về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung từ cơ quan này. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thể nhất trí về kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế mới. Điều này tạo ra sức ép lên thị trường vàng. Kim loại quý vì vậy đang chịu áp lực chốt lời từ phía các nhà đầu tư.
Không những vậy, áp lực bán chốt lời còn gia tăng khi đồng USD hồi phục từ đáy 2 năm. Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến xấu khiến nền kinh tế toàn cầu gần như tê liệt, giá dầu tụt dốc không phanh và đồng USD suy yếu. Tất cả đều là nhân tố hỗ trợ vàng tăng giá. Tuy nhiên, mấy phiên trở lại đây, giá vàng diễn biến khó lường, tăng rồi lại giảm trong chớp nhoáng khiến giới đầu tư hầu như “trở tay không kịp”.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra sẽ gây sức ép nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn và tạo ra rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế Mỹ trong trung hạn. Do đó, vàng có thể sẽ giảm tiếp trong ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn, vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn khi thế giới ngày càng bất ổn.
Đáng chú ý, trước diễn biến khó lường của giá vàng, trong các phiên giao dịch gần đây, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới là SPDR đã không hề mua hoặc bán thêm bất cứ một miếng vàng nào ra thị trường.
Phan Diệu