Ngày 15.5, Hội thảo Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Bảo vệ môi trường

Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long trước hạn, mặn

Theo TTXVN 14:21 15/05/2024

Ngày 15.5, Hội thảo Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra tại TP.Cần Thơ.

can-tho-150524.jpg
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: TTXVN

Hội thảo do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP.Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL có nhiều chương trình ký kết hợp tác, để tương hỗ phát triển bền vững. Vùng ĐBSCL cung cấp nguyên vật liệu, còn TP.HCM là chế biến, xuất nhập khẩu rất lớn. Do đó, sự thay đổi của ĐBSCL sẽ tác động trực tiếp đến TP.HCM. Do đó, hội thảo càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Theo quy hoạch vừa được duyệt, TP.Cần Thơ ngoài phát triển nông nghiệp còn tập trung công nghiệp chế biến chế tạo, tăng thương mại dịch vụ. Cùng với sự phát triển của hạ tầng đặc biệt là giao thông, không gian phát triển của ĐBSCL sẽ có nhiều đổi khác, khoảng cách giữa các địa phương được kéo gần.

Thấy rõ vai trò quan trọng của ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất – sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thực tế trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm từ hội thảo lần này.

Ngoài các góp ý chính sách phát triển ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng mong muốn các chuyên gia, đại biểu góp ý thêm hàm ý phát triển bền vững, toàn diện đối với vùng trong thời gian tới. Đây là những nội dung rất quan trọng, phù hợp với định hướng lớn của trung ương về sự phát triển của vùng.

Tại hội thảo, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ trình bày tham luận các tác động hạn hán, xâm nhập mặn đến canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và cấp nước sinh hoạt tại khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, khái quát thực trạng đáng lo ngại về sự suy giảm chất lượng nguồn nước, diện tích đất ngọt hoá và sản lượng lương thực thực phẩm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, hạn hán có thể chia làm 4 cấp độ là hạn khí tượng, hạn nông nghiệp, hạn thủy văn và hạn xã hội; trong đó, hạn xã hội là mức độ cao nhất, gây thiệt hại nhiều nhất khi gây ra các tác động như thiếu nước uống, cần cứu trợ nước khẩn cấp, ngưng sản xuất kéo dài, kinh tế giảm sút và có thể dẫn đến di dân số đông.

Các giải pháp đang được áp dụng để đối phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn hiện nay gồm thường xuyên cập nhật tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, điều chỉnh lịch thời vụ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất nông nghiệp; áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; chia sẻ nguồn nước, ưu tiên phân phối nước ngọt cho các lĩnh vực.

Về chiến lược ứng phó lâu dài đối với hạn mặn ở ĐBSCL, ông Tuấn đề xuất 6 giải pháp. Đó là phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng các công trình hồ chứa nước lũ, vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt; hạn chế khai thác nước ngầm, bổ cập nhân tạo nước dưới đất; tiết kiệm nước, sử dụng nước tuần hoàn. Cuối cùng là cần giảm diện tích lúa, chuyển sang thủy sản, rau màu và cây ăn trái.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết và các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các giải pháp cho vùng ĐBSCL như: định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL của PGS-TS Trần Bá Hoằng – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam; giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu của GS-TS Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne, Australia.

Bên cạnh đó là những tham luận về phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh cho vùng; chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp và năng lực thích ứng của cộng đồng tại khu vực ĐBSCL...

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhìn nhận, là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.

Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 - 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

Những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ luỵ của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn.

Với TP.HCM, ĐBSCL là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến đô thị lớn nhất phía Nam. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với khu vực sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.

Thông qua hội thảo nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay để đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long trước hạn, mặn