Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện các giải pháp giảm giá xăng dầu sẽ ước giảm khoảng 32.538 tỉ đồng trong năm 2022.
Sẽ điều chỉnh giá xăng dầu
Vừa qua giá xăng dầu đã giảm nhưng xăng dầu trong nước hiện vẫn ở mức gần 33.000 đồng/lít. Có một số ý kiến cho rằng đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là quá ít. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4.7 về vấn đề này.
Theo ông Chi, dưới áp lực của giá xăng dầu thế giới liên tục có biến động tăng thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các giải pháp liên quan đến các chính sách thuế đánh trên mặt hàng xăng dầu để đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ; bảo đảm kiểm soát, kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu, tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay trong ngày hôm nay (4.7), sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.
Về nội dung tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết sớm nhất, để có mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ước tính, sản lượng tiêu thụ vẫn giữ được như hiện nay một tháng. Chính sách này nếu được quyết từ ngày 1.8 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỉ đồng.
Cùng với việc đang triển khai 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỉ đồng nữa thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỉ đồng trong năm 2022.
Về việc giá xăng dầu tăng mạnh nên nguồn thu nhập khẩu từ ngân sách nhà nước, từ nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ tăng, Bộ Tài chính cũng đã tính toán cụ thể. Theo đó, với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công Thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá cũng như tăng lương trong năm 2022, tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỉ đồng.
“Như vậy trong thu ngân sách do giá dầu tăng từ nhập khẩu xăng dầu vào khoảng hơn 9.000 tỉ. Trong khi đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm thu ngân sách giảm 32.500 tỉ”, ông Chi nói.
Cũng theo ông Chi, việc Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu này, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để chúng ta căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước”, ông Chi nói.
Căn cứ nào tách Tổng cục Đường bộ?
Liên quan đến đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đề án này nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như các bộ ngành khác. Trong nhiệm kỳ mới rà soát lại cơ cấu tổ chức, chức năng bộ máy và trình lại để có điều chỉnh những văn bản pháp luật về nội dung quy định có liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ ngành đó.
Bộ GTVT đã trình và được các bộ ngành khác như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan làm việc và cho ý kiến với Bộ GTVT trong quá trình rà soát để trình Chính phủ. Hiện tại, nếu được xem xét quyết định thì sẽ nghiêm túc thực hiện theo phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Theo chủ trương chung của Đảng, phải rà soát các đầu mối của đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết 18, 19”, ông Đông nói.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua quá trình rà soát, so sánh với các tiêu chí của một Tổng cục thì Tổng cục chưa đáp ứng được tất cả các tiêu chí. Có đề xuất là không duy trì Tổng cục mà xây dựng là một Cục tương tự như các cục quản lý chuyên ngành khác của ngành giao thông vận tải.
“Chúng ta đều biết là ngành giao thông vận tải có 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải và Cục Đường bộ từ Tổng cục Đường bộ vẫn là cục chuyên ngành”, ông Đông nêu và cho biết.
Trong quy trình đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề xuất, sau đó lên Đảng bộ xem xét, sau các cơ quan liên quan xem xét hình thành Cục nhưng đó không phải là cục chuyên ngành mà là cục chuyên trách về lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc và khai thác đường cao tốc. Còn cục quản lý nhà nước về đường bộ vẫn là Cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Đông cho biết, với một định hướng theo quy hoạch, Nghị quyết 13 của Đảng xác định đến năm 2030, đầu tư, khai thác 5.000 km đường cao tốc. Rồi theo quy hoạch chung của đường bộ, cao tốc ở Việt Nam lâu dài, chắc khoảng 9.000-10.000 km.
“Đó là cái mà chúng tôi cho là đề xuất của Bộ GTVT trên cơ sở có những định hướng cho phát triển, quản lý khai thác đường cao tốc. Cái này phù hợp chung với Luật Xây dựng, thực sự là một chủ đầu tư”, ông Đông nêu.
Theo ông Đông, điều này hướng tới tách dần Bộ GTVT ra khỏi chủ đầu tư. Bộ chỉ làm quản lý nhà nước, quản lý, chủ quản, duyệt các dự án. Còn chủ đầu tư sẽ có các cơ quan, đơn vị đầu mối. Sau này, các đơn vị này quản lý khai thác theo hướng đối với đường cao tốc thì có tính chất thương mại rất cao, sau đó sẽ xem xét theo hướng thu hút các thành phần vào quản lý khai thác, kể cả những dự án do Nhà nước đầu tư công cũng có thể hướng tới đấu thầu, nhượng quyền, cho thuê khai thác.
“Chúng tôi khẳng định cái này được Chính phủ xem xét và quyết định thế nào Bộ sẽ theo thế đó”, ông Đông nói.