Thông tin mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục, trong đó Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, nhiều nhà giáo dục cho biết, rất mừng, rất tự hào nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế.

Giáo dục VN xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Cần nhìn thẳng vào thực tế!

Một Thế Giới | 14/05/2015, 19:50

Thông tin mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục, trong đó Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, nhiều nhà giáo dục cho biết, rất mừng, rất tự hào nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế.

Bảng xếp hạng này, OECD lấy kết quả dựa trên bài kiểm tra của 76 quốc gia trên thế giới với đủ mọi điều kiện kinh tế; không giống với bảng xếp hạng dựa trên điểm số PISA, vốn chỉ đánh giá đúng được những quốc gia giàu có, phát triển. Theo OECD đây là lần đầu tiên chúng ta có một cái nhìn toàn cầu về chất lượng giáo dục.
Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: "Dịp tốt để nhìn lại bản thân!"
Khi biết thông tin này, tôi rất mừng vì tôi tin vào kết quả do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục nước ngoài công nhận, phản ánh rất khách quan. Một kết quả thuộc loại khá trong đó nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Qua kết quả điều tra, khảo sát so sánh số liệu với các nước là một dịp tốt để mình nhìn lại bản thân nền giáo dục.
Điều đặc biệt ở đây là họ khảo sát bài thi đúng vào điểm mạnh của Việt Nam bấy lâu nay nên đạt kết quả đứng thứ 12/76 là chuyện bình thường. Chọn mẫu của khảo sát này hoàn toàn không phải là vấn đề chúng ta mong muốn. Nhưng tôi cũng tất mừng, rất tự hào và cảm ơn thầy cô giáo dạy giỏi, học sinh chăm ngoan.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế, không nên nhìn vào thành tích này mà bỏ qua những yếu kém, những hạn chế, những khuyết điểm đang tồn tại trong nền giáo dục.
Ở Việt Nam, lâu nay, thậm chí có báo cáo của Bộ Giáo dục gửi lên cấp trên cách đây mấy năm cho biết, trong hệ thống giáo dục của chúng ta yếu nhất là bậc giáo ĐH,CĐ và dạy nghề. Còn ở bậc phổ thông có phần tiến bộ hơn về chất lượng nhưng lại lơ là về vấn đề dạy đạo đức, dạy người và dạy nghề. Vấn đề này phải sửa rất nặng.
Ở đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khảo sát 2 môn học thuộc về phạm vi dạy chữ. Mà về phần dạy chữ ở Việt Nam rất giỏi vì có truyền thống dạy thi, luyện thi nên đi thi quốc tế luôn đạt giải cao. Trong khi đó, thực hành, ứng dụng vào cuộc sống lại rất kém vì học sinh được học rất ít về thực hành, thí nghiệm. Thậm chí ở Hà Nội có những trường nổi tiếng không có 1 phòng thí nghiệm nào, như thế không thể nào dạy tốt được.
Ở nước ngoài họ chú trọng nhiều đến kỹ năng sống cho học sinh từ nhỏ đến lớp 12 và làm hướng nghiệp rất tốt thì mình lại thiếu và yếu cái đó. Ví dụ ở Đức: Học sinh học đến lớp 6 đã được hướng nghiệp, học sinh nào đi theo hướng thực hành, học sinh nào đi theo hướng nghiên cứu.
Bây giờ chúng ta đang đổi mới toàn diện về giáo dục, đang sửa chữa những khuyết điểm cũ để bước sang một hướng mới. Tôi hy vọng việc đổi mới này thành công.
GS-TS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội: "Một cuộc chơi làm cho hình ảnh Việt Nam được cải thiện!"
Tôi nghĩ, bất cứ kiểu đánh giá nào trên đời, mình được xếp hạng cao thì phải mừng vì cũng đã mất rất nhiều công sức, đầu tư mới được. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên phấn khởi là từ nay nền giáo dục của chúng ta đã xếp vào thứ hạng cao, đứng trên cả Mỹ, Anh Úc… điều này là không đúng.
Ở đây OECD cách đánh giá cũng chỉ dựa vào 1 số tiêu chí. Như vậy, tất nhiên họ cũng cố để cho các tiêu chí tốt nhưng không có nghĩa là phản ánh toàn diện chất lượng của một nền giáo dục. Khảo sát của OECD là một cuộc chơi làm cho hình ảnh Việt Nam được cải thiện.
Mặc dù Việt Nam có truyền thống học giỏi, thi giỏi, đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế nhưng so với nền khoa học các nước thì mình còn thua xa. Rất nhiều giáo sư đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài đều nhận xét, người Việt mình thông minh nhưng đôi khi không sâu sắc và toàn diện. Học sinh chỉ giỏi những bài toán đánh đố, lý thuyết nhưng những bài toán mang tính chất ứng dụng trong cuộc sống thì lại kém. Điều này phản ánh nền giáo dục Việt Nam chưa toàn diện.
Các cấp lãnh đạo và ngành giáo dục cũng đã biết nền giáo dục của ta còn nhiều yếu kém nên luôn luôn đưa ra các biện pháp cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa mới.
Tóm lại, theo tôi, việc mình xếp thứ 12 trên thế giới về đánh giá chất lượng giáo dục thì đó là điều phấn khởi chứ không thể bài bác được và vấn đề chúng ta làm thế nào để kiến thức của chúng ta toàn diện hơn. Đó là bài toán cho các nhà quản lý giáo dục.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Chỉ phản ánh 1 mặt!"
Đồng quan điểm với 2 ý kiến trên, trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, nếu bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế (kỳ sát hạch PISA, các kỳ thi học sinh giỏi Toán và Khoa học) thì đúng là chúng ta có thể có thứ hạng cao. Tuy nhiên, đây chỉ phản ánh được một mặt, chứ không phản ánh toàn diện chất lượng giáo dục.
Nếu nói về các kì thi học sinh giỏi thì các nước, đặc biệt những nước có nền giáo dục phát triển, họ không chọn học sinh giỏi đi thi như cách chúng ta làm. Học sinh tham gia đội tuyển của họ chắc chắn là giỏi, nhưng là học sinh ở những trường bình thường. Còn Việt Nam có những trường chuyên đào tạo ra những “thợ” giải toán, lý, hóa… đi thi quốc gia và quốc tế.
Trong điều kiện như vậy, chúng ta xếp hạng cao là có thể. Nhưng nhìn vào xếp hạng này mà bảo giáo dục Việt Nam hơn giáo dục Mỹ, Úc là không đúng. Vài chục năm gần đây, đội ngũ nhân lực do giáo dục Việt Nam đào tạo ra đã có đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam thoát nghèo. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy Việt Nam về mọi mặt đang thua kém quốc tế rất nhiều, thậm chí có nguy cơ tụt hậu so với cả những nước được xem là đứng cuối bảng ở Đông Nam Á. Những yếu kém đó bao gồm cả giáo dục.
Hồng Hạnh / Dân trí
Bài liên quan
Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do người Việt huấn luyện bứt phá trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU
Ngày 10.1.2025, Zalo AI công bố Báo cáo tình hình phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) tiếng Việt trong năm 2024 dựa trên nền tảng đánh giá và xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU (Vietnamese Multitask Language Understanding Benchmark Suite for Large Language Models).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục VN xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Cần nhìn thẳng vào thực tế!