Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 49 về quy định mức trần học phí đối với hệ thống đào tạo công lập trình độ đại học, cao đẳng, trung học, phổ thông và mầm non.
Theo đó, mức học phí cao nhất sẽ áp dụng cho bậc đại học là 340.000 đồng/tháng cho năm học 2010 – 2011. Sau đó, học phí sẽ tiếp tục tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi năm, đến năm 2015 sẽ là 800.000 đồng/tháng.
Bộ GD-ĐT chưa tính đến mức thu nhập bình quân của người dân. Các trường đều áp dụng mức học phí cao nhất, cộng với các chi phí khác thì chi phí hàng tháng của một sinh viên sẽ vượt quá mức quy định so sánh bình quân thu nhập của người dân.
Chưa kể đến đó là đa số là những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa với mức thu nhập thấp hơn nhiều so với thành phố và với mức bình quân chung.
Chúng ta cũng chưa tính cả đối với những học sinh học dân lập, mức học phí sẽ khó kiểm soát nổi so với các chi phí chi tiêu xung quanh các học sinh này.
Vậy theo ông, việc tăng học phí theo dự thảo của Bộ GD-ĐT có hợp lý không?
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta luôn muốn tăng học phí đó chính là lý do tăng chất lượng giáo dục.
Dùng tiền đó để đầu tư cơ sở, vật chất, đầu tư cho con người. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại, đừng có nghĩ theo quan niệm "Tiền nào của nấy, học phí nhiều thì chất lượng học sinh sẽ tăng".
Lâu nay, học phí tăng, nhưng chất lượng giáo dục có tăng hay không? Từ năm 2007 cho đến nay, tỉ lệ GDP đã chiếm tới hơn 8,5% mọi chi phí đều tăng lên, ngân sách chi cho giáo dục cũng tăng rất nhiều.
Thế nhưng, từ lâu đến nay chất lượng giáo dục có tăng lên hay không? Không hề. Đó là sự phản ánh rõ nét nhất để chúng ta hiểu được việc tăng học phí quá cao trong thời điểm hiện tại là không cần thiết.
Có nhiều trường Đại học dân lập lâu nay đã tự tăng học phí để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Theo ông điều đó phản ánh chất lượng giáo dục giữa trường dân lập và trường công lập hay không?
Không cần phải so sánh cũng đã thấy rõ chất lượng giáo dục giữa 2 hệ đào tạo. Các trường ĐH dân lập đều cho rằng mức học phí cao như vậy là để phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhà trường.
Tuy nhiên, dù Bộ GD-ĐT đã quy định các trường phải công khai tài chính, song trong điều kiện thiếu thông tin như hiện nay, người học khó có thể được bảo đảm rằng chất lượng đào tạo của nhà trường tương xứng với số tiền họ bỏ ra.
Trong khi đó, các trường công lập vẫn áp trần theo quy định của nhà nước là 180 nghìn đồng/ tháng cho hệ đào tạo Đại học, 150 nghìn đồng/tháng cho hệ cao đẳng.
Khi tôi đi dạy, có thầy hiệu trưởng đã nói với tôi, muốn có chất lượng đào tạo thì phải có chi phí đào tạo tương ứng, trong khi thực tế hiện nay cho đào tạo của chúng ta thấp, chính vì vậy nay ngay cả trường công lập cũng có hiện tượng "chảy máu chất xám" là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng chúng ta cũng hãy nên nhìn những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ mất đi cơ hội được học ở giảng đường Đại học. Mặc dù có học bổng, có tài trợ, nhưng điều đó sẽ là không đủ.
Việc tăng học phí cũng sẽ là điều sớm hay muộn xảy ra mà thôi. Nhưng việc để các trường tự chủ tài chính là cách để tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Nhưng điều đầu tiên khi tăng học phí thì cần phải minh bạch, không được để xảy ra tình trạng trường lợi dụng “tự chủ” để lạm thu.
Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới. Ví dụ, trước đây học phí cũ thế nào, trường được nhà nước cấp định mức trên đầu sinh viên bao nhiêu. Nay, khi tự chủ, học phí mới gồm những khoản chi gì…
Vấn đề này cũng phải công khai hóa trên mạng internet tới người học vì họ là chủ thể trực tiếp bỏ tiền nộp học phí. Họ cần phải biết số tiền đó của họ có được đầu tư đúng mức hay không?
Có nhiều người cho rằng chi phí vào việc học của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ông đánh giá điều đó như thế nào?
Ở Malaisya, Singgapore… trường đại học, cao đẳng ngoài công lập rất phát triển, vì họ được đầu tư một cách bài bản, hỗ trợ nhiều chính sách phát triển.
Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT trường ngoài công lập chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. Không thể nhìn mặt bằng chung mà nói chi phí của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Chúng ta cần phải so sánh cả thu nhập của người dân VN với các nước.
Vì thế, tự chủ tài chính nhưng các trường cần phải tính toán mức tăng hợp lý với sức chịu đựng của người học. Theo tôi biết hiện nay chỉ có vài trường Đại học công lập được tự chủ về tài chính.
Trong tương lai sẽ có hàng trăm trường cũng tự chủ. Cùng với việc tính học phí theo đúng với chi phí đào tạo. Nhà nước rất cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn không lấy lãi dài hạn hay cấp học bổng để giúp các sinh viên nghèo có cơ hội đi học.
Chuyện nhiều học sinh, sinh viên sẽ đi theo lựa chọn giống như Đạt là bỏ học, thực sự là mối lo lắng cho nhiều người có tâm huyết với giáo dục.
Có ý kiến cho rằng vấn đề thiếu kinh phí cho giáo dục không nhất thiết phải giải quyết bằng việc tăng học phí, chất thêm gánh nặng cho người có thu nhập thấp, hạn chế khả năng đến trường của học sinh, sinh viên nghèo, mà nên tập trung vào việc kiểm tra, xem xét tăng năng lực quản lý giáo dục.
Có như thế, đồng tiền dành cho giáo dục mới phát huy hết hiệu quả.
Cảm ơn ông!
Minh Khuê