Mới đây, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 vào các Trường THPT trên địa bàn. Theo đó, có những trường hợp chỉ cần thí sinh thi đạt bình quân 1,1 điểm/môn thi là trúng tuyển. Có nên duy trì những kỳ thi như thế hay không?

Gieo hạt giống xấu

07/08/2020, 09:15

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 vào các Trường THPT trên địa bàn. Theo đó, có những trường hợp chỉ cần thí sinh thi đạt bình quân 1,1 điểm/môn thi là trúng tuyển. Có nên duy trì những kỳ thi như thế hay không?

Trẻ em như tờ giấy trắng cần được nâng niu, nhưng cũng phải dạy bảo, răn phạt đúng cách - Ảnh: Chí Hùng

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 trên toàn TP.Cần Thơ có 11.098 thí sinh tham gia dự thi. Kết quả có 10.982 thí sinh trúng tuyển vào 27 trường THPT, tương đương với tỷ lệ trúng tuyển đạt 98,95%, chỉ có 1,05% thí sinh không trúng tuyển. Và đáng lưu ý là Trường THPT Giai Xuân (H.Phong Điền) lấy điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 thấp nhất với 5,3 điểm!

Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập trên địa bàn Cần Thơ đã làm 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong đó, môn Toán và môn Ngữ văn được nhân điểm số lên hệ số 2. Đồng nghĩa, điểm trúng tuyển là điểm tổng các môn thi: (Toán + Ngữ văn) x 2 + Ngoại ngữ. Như vậy, với trường hợp tuyển sinh theo điểm chuẩn như tại Trường THPT Giai Xuân, mỗi thí sinh chỉ cần thi trung bình đạt 1,1 điểm/môn là xem như dư điểm đậu. Xin nói thêm, đây là trường công.

Một số trường khác cũng có điểm chuẩn tuyển sinh rất thấp. Điểm hình như Trường THCS và THPT Trường Xuân (H.Thới Lai) lấy điểm chuẩn là 6,4 điểm, nghĩa là trung bình mỗi môn thí sinh đạt 1,28 điểm là đậu. Trường THCS và THPT Thạnh Thắng (H.Vĩnh Thạnh) lấy điểm chuẩn là 7,5 điểm, tương đương với 1,5 điểm/môn thi là đậu. Trường THPT Vĩnh Thạnh (H.Vĩnh Thạnh) lấy điểm chuẩn là 8,0 điểm, tương đương 1,6 điểm/mỗi môn sẽ trúng tuyển...

Quy định không cấm điều này. Nhưng chúng ta đang gieo hạt giống gì thế này? Sao có chuyện học hành quá tệ, thi điểm quá thấp mà vẫn đường hoạt lọt vào cấp 3, lại là trường công? Những hạt giống xấu này - thi chỉ đạt hơn 1 điểm/môn, với kẽ hở “thành tích” của ngành giáo dục lại tìm được con đường mà vào các trường đại học tư. Và không ít người sẽ trở thành bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư... Chất lượng nền không có, thì nếu biết rõ, không ai dám giao sinh mạng của mình cho các bác sĩ, dược sĩ này điều trị.

Đây chắc hẳn không phải chuyện riêng của Cần Thơ. Nhưng ai cũng phải cần tôi luyện, trải qua thử thách để trưởng thành. Vấp ngã đôi khi lại là điều cần thiết, để các em đứng lên và bản lĩnh hơn. Cá chép phải vượt vũ môn mới hóa rồng. Học kém, thi tệ, thì nên ở lại lớp, và các em đương nhiên sẽ phải chấp nhận.

Nhưng vì sao? Có lẽ trước hết chính vì chạy theo thành tích, theo tỷ lệ thi đậu tốt nghiệp cao mà có chuyện lấy điểm chuẩn quá thấp. Chính cái thành tích ấy đã tạo thành thứ vi rút đáng sợ hơn cả vi rút gây bệnh COVID-19, đó là chất lượng thế hệ tương lai của đất nước. COVID-19 rồi sẽ có thuốc trị, nhưng nguồn nhân lực có trí tuệ quá thấp thì không. Rất đáng sợ!

Không còn lạ, khi không ít người có bằng tiến sĩ vẫn viết sai chính tả. Không còn là điều ngạc nhiên, khi nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn không nhớ rõ lịch sử dân tộc. Nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, phát biểu đôi khi ngây thơ khiến người dân phải bật cười. Chính vì chuẩn đầu vào quá tệ, khi hậm hự cho qua, chỉ vì thành tích, và cái giá phải trả...

Những người lớn đã làm hư bọn trẻ. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Vậy mà chỉ vì thành tích chúng ta đã ghét cả bọn trẻ, cho chúng toàn ngọt, toàn bùi. Thi chưa được 2 điểm mỗi môn, vẫn đậu. Sao có chuyện kinh hoàng như vậy? Làm vậy, không khác nào ngành giáo dục đã tự ném chất lượng của mình xuống vũng bùn.

Còn nếu chống chế rằng, phải hạ điểm chuẩn xuống thấp như vậy, vì các trường này không tuyển được học sinh. Đừng đổ lỗi cho ai. Cũng chính vì tiêu chí trường chuẩn, trường quốc gia... mà các trường này bị hụt hơi trong cuộc đua thành tích, các học sinh không thèm ngó. Còn đổ rằng do trường ở vùng xa, đi lại không thuận tiện, thì cũng chẳng khác nào chính mình tự vả vào mặt mình. Chính ngành giáo dục chọn điểm xây trường, chứ còn ai.

Toàn TP.Cần Thơ có hơn 11.000 học sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Với số lượng thí sinh như vậy, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã bố trí khoảng 464 phòng thi. Nếu mỗi phòng thi cần ít nhất 2 cán bộ coi thi, thì số lượng cán bộ coi thi được huy động là hơn 900 người. Tính luôn cán bộ phụ trách y tế, trưởng phó các điểm thi, cán bộ thanh tra giám sát, cán bộ chấm thi thì số người được huy động làm công tác trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Cần Thơ chắc chắn lên đến trên 1.000 người.

Nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động này sẽ là con số không hề nhỏ. Chưa nói đến công sức, tâm sức các cán bộ tham gia hội đồng thi phải hao phí. Quy mô và mức độ tổ chức 1 kỳ thi như thế, nhưng tỉ lệ thí sinh trúng tuyển thì gần như 100%, điểm chuẩn nhiều trường quá thấp. Như vậy phải chăng việc tổ chức 1 kỳ thi quy mô và tốn kém như ở TP.Cần Thơ vừa qua là vô bổ và tốn kém.

Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, kỳ thi vừa qua quá nguy hiểm cho các em? Các em phải vật lộn, tốn công tốn sức cho kỳ thi, cha mẹ thì lo toan. Và lại có thêm 1 trường ở Đồng Tháp, vừa bị phát hiện thu của học sinh hơn 400.000 đồng/em để bồi dưỡng giáo viên coi thi... Thật chẳng còn gì để nói.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gieo hạt giống xấu