Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số đại biểu cho rằng cần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học công nghệ.
Phải có cơ chế về rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Đại biểu Vũ Hải Quân (TP.HCM, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu vấn đề ưu đãi thuế trong hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, bởi khi các trường đại học công lập tự chủ là Nhà nước cắt ngân sách, giai đoạn tự chủ ban đầu rất khó khăn do không có nguồn, học phí không thể tăng nhiều. Trong khi đó nhiều trường hoạt động phi lợi nhuận, nên năm nào hết năm đó, không có dư để dành cho hoạt động KHCN.
"Do đó, đề nghị không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo của các trường đại học", đại biểu Vũ Hải Quân nói.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) tán thành các chính sách thí điểm, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, vì trong quá trình nghiên cứu, sai số nhiều, rủi ro lớn. Tuy nhiên, cần có phân loại, chỉ chấp nhận rủi ro với một số loại hình, tránh lãng phí.
Về cơ chế thanh toán trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết đây là vấn đề rất khó, nhiều nhà khoa học chia sẻ, việc thanh toán còn khó hơn nghĩ đề tài và thực hiện đề tài. Mong tất cả các nhà khoa học đều được tham gia nghiên cứu khoa học, thành công thì chuyển giao cho cơ quan nhà nước và được thanh toán các chi phí trong quá trình nghiên cứu một cách thuận lợi.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nêu vấn đề khen thưởng trong lĩnh vực KHCN, bởi với nhiều nhà khoa học, đôi khi họ không cần tiền mà chỉ cần được ghi nhận bằng huân chương, huy chương.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho rằng một số chính sách thí điểm của nghị quyết lần này cần phải rà soát kỹ để tránh trùng với Luật Thủ đô. Tránh trường hợp, quy định của luật sẽ mạnh hơn, vô hình trung sẽ vô hiệu hóa quy định mới được ban hành.
Trước đó, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo bổ sung quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Họ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Cùng với đó, nghị quyết này cũng thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Chính phủ cho rằng những chính sách này phù hợp với định hướng lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, trong đó cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Mở rộng phạm vi áp dụng nghị quyết
Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tán thành việc cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi áp dụng nghị quyết, mở rộng các pháp nhân tiến hành hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm huy động hết năng lực quốc gia để phát triển đột phá lĩnh vực này.
Đầu tư cho hoạt động KHCN có cả ngân sách và ngoài ngân sách, cần cơ chế để khuyến khích đầu tư, do đó, cần làm rõ vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN. Nghĩa là cần thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN.
Theo đại biểu Phan Văn Mãi, cần phân định rõ tài sản của các đơn vị hoạt động KHCN, chẳng hạn danh mục thuộc về Nhà nước, tổ chức, cá nhân nghiên cứu KHCN được sở hữu; để sau khi nghiên cứu, sản phẩm được thương mại thì cần làm rõ đưa về Nhà nước bao nhiêu và bao nhiêu được đưa vào quỹ phát triển KHCN của đơn vị chịu trách nhiệm.
Một số đại biểu tại đoàn đại biểu TP.HCM cũng nêu việc thương mại hóa sản phẩm KHCN, nếu tính thương mại hóa không chỉ dừng một vài tỉ đồng mà có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng. Điều này cũng khuyến khích các nhà khoa học dấn thân, hướng đến hoạt động KHCN thực chất. Tránh tình trạng chỉ lấy tiền nghiên cứu là xong
Điểm này cũng sẽ khuyến khích, thu hút được các nhà khoa học quốc tế. Về vấn đề này, đại biểu Phan Văn Mãi dẫn chứng việc các nước cấp học bổng tiến sĩ nhưng thực chất là đang tận dụng nguồn lực và chất xám của Việt Nam nghiên cứu ở nước ngoài. Nếu Việt Nam có cơ chế, họ sẽ tổ chức việc nghiên cứu tại Việt Nam. Để làm được điều này, chúng ta cần mạnh dạn ưu đãi về thuế cho hoạt động KHCN.