Là con gái của người cha Jamaica và người mẹ Ấn Độ - cả hai đều là dân nhập cư, Phó tổng thống Kamala Harris phản ánh sự thay đổi lớn trong nhân khẩu học của Mỹ. Bà đại diện cho nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất nước khi chính thức trở thành ứng viên đảng Dân chủ tranh cử tổng thống năm nay.
Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, hiện có khoảng 42 triệu công dân nước này tự nhận mình là người đa sắc tộc, chiếm 13% tổng dân số, tăng 2% so với kết quả khảo sát dân số năm 2000 (lần đầu tiên cho phép công dân chọn mình đa sắc tộc).
Mỹ nổi tiếng là đất nước tập hợp những người có gốc gác từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên một số tiểu bang phân biệt đối xử công dân theo chủng tộc cho đến khi luật dân quyền được ban hành vào những năm 1960 và luật cấm kết hôn khác sắc tộc bị bãi bỏ năm 1967.
Từ đó đến nay tình hình thay đổi nhanh chóng. Năm 2008, Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên là chính trị gia Barack Obama. Nếu đắc cử tháng 11 tới thì Phó tổng thống Harris sẽ trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên ngồi vào vị trí quyền lực số 1.
Theo chủ tịch nhóm vận động People for the American Way Svante Myrick: “50 năm sau, chúng ta có thể nhìn thấy một vị tổng thống đa sắc tộc thứ 2. Thật tuyệt vời”.
Tương lai của nước Mỹ sẽ đa dạng hơn nữa. Đa số công dân đa chủng tộc đều dưới 44 tuổi và 1/3 vẫn còn là trẻ em. Xu hướng này khiến nhóm dân số da trắng ngày càng thu hẹp cảm thấy khó chịu. Cựu Tổng thống Donald Trump tháng trước từng mỉa mai gốc gác của Phó tổng thống Harris.
Một số đảng viên Dân chủ khẳng định môi trường mà Phó tổng thống Harris trưởng thành biến bà thành lựa chọn làm lãnh đạo tốt. Theo hạ nghị sĩ Maxwell Frost: “Sở hữu nhiều trải nghiệm là lợi thế. Điều này nâng cao năng lực vận động lẫn năng lực lập pháp của bà”.
Chủ nghĩa thượng tôn da trắng
Khi Mỹ trở nên đa dạng hơn, các nhóm theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng trỗi dậy và tích cực truyền bá thuyết âm mưu rằng người Mỹ thực thụ đang dần bị thay thế bởi người nhập cư từ châu Phi lẫn từ nhiều nơi khác. Một số nghị sĩ Cộng hòa đẩy mạnh nỗ lực cấm sách hoặc hủy lớp học tập trung vào lịch sử sắc tộc. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ghi nhận hàng nghìn vụ phạm tội liên quan đến thù hằn sắc tộc vài năm gần đây.
Giáo sư lịch sử Matthew Belmont (Cao đẳng Dartmouth) cảnh báo: “Chúng ta đang ở giai đoạn phản ứng dữ dội (bất chấp thời gian chính quyền đương nhiệm ưu tiên đảm bảo công bằng sắc tộc). Không ít vụ bạo lực là hành động phản kháng thời kỳ Tổng thống Obama nắm quyền, được thúc đẩy bởi thành phần sợ hãi thay đổi trong nhân khẩu học của Mỹ”.
Đồng sáng lập tổ chức hành động chính trị Seneca Project Tara Betrayer từng bị đảng Cộng hòa thu hút bằng chủ trương chính sách không phân biệt màu da. Tuy nhiên bà ghi nhận thời gian qua đảng này đưa ra vài phát biểu chứa đựng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.