Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan đề nghị nên có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lương thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) quan trọng của thủ đô.

Góp ý Luật Thủ đô: Cần có chế độ lương, thưởng đặc biệt cho chuyên gia KH-CN

Lam Thanh | 27/11/2023, 12:40

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan đề nghị nên có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lương thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) quan trọng của thủ đô.

Cần chế độ đặc biệt cho "nhân tài"

Ngày 27.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Góp ý về vấn đề KH-CN của thủ đô, chủ yếu tập trung vào điều 25 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị: Để khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học, cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài.

Ngoài ra, cần sửa đổi khoản 4, điều 25 theo hướng giao UBND TP.Hà Nội xây dựng một chương trình KH-CN và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục; giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà Hà Nội cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của thủ đô.

hung-3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) góp ý

Đại biểu Lan cũng đề nghị nên bổ sung điều 25 quy định thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo; có chế độ lương thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực KH-CN quan trọng của thành phố; giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại điều 17 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu Hùng cho rằng quy định tại điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi.

“Thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Vì vậy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài, đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”, ông Hùng nói.

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

hung-1.jpeg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng góp ý

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa thủ đô; chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của thủ đô.

Về phát triển giáo dục - đào tạo của thủ đô quy định tại điều 24 dự thảo luật, đại biểu Thanh nói "dự thảo chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay".

Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của thủ đô.

Tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho HĐND và UBND thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch; đồng thời luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.

Theo ông Cường, với quy định phân quyền và trao quyền như trên, nhiệm vụ và khối lượng công việc chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần phải có một cái mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với trao quyền này như đề xuất của dự thảo luật là cần phải có cả HĐND cấp quận.

“Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Số lượng đại biểu HĐND phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ phải cao hơn”, ông Cường nói.

hung-2.jpeg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận góp ý

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đồng tình việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP.Hà Nội từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu Luận cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn. Do vậy, cần xem xét nâng lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng hiện nay HĐND cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề; phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách. Theo dự thảo của Luật Thủ đô, HĐND tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, thẩm quyền thực hiện thêm các nhiệm vụ khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó, cần phải bảo đảm về bộ máy nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý Luật Thủ đô: Cần có chế độ lương, thưởng đặc biệt cho chuyên gia KH-CN