Mặc dù Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2001 thế nhưng người đồng tính nam và song tính nam công khai tại đây chỉ được phép hiến máu kể từ tuần trước theo quy định mới về vấn đề này.
Theo Bộ Y tế Hà Lan, những người đồng tính nam và song tính nam nếu muốn hiến máu phải thỏa mãn điều kiện là không được quan hệ tình dục đồng giới trong vòng 12 tháng.
"Bản thân tôi là một người ủng hộ sự bình đẳng trong vấn đề nhân quyền, nhưng đồng thời tôi cũng là người chịu trách nhiệm cho tính an toàn của nguồn máu dự trữ ở Hà Lan", Bộ trưởng Bộ Y tế Edith Schippers phát biểu.
Tuy nhiên, các nhóm vận động quyền LGBT ở nước này cho rằng họ cảm thấy "thất vọng" bởi vì những thay đổi này vẫn chưa đủ.
"Quy định mới vẫn còn mang tính kỳ thị không cần thiết. Những đề nghị này là quá ít và quá trễ", Tanja Ineke - chủ tịch của nhóm LGBT tại Hà Lan COC - cho biết. "Quy định này chỉ mang tính quan trọng đối với những người đàn ông song tính quan hệ lâu dài và chung thủy với một người phụ nữ mà thôi".
Bà Ineke cũng nói rằng quy định mới sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đến phần lớn giới đồng tính nam ở Hà Lan.
Ngược lại, Bộ trưởng Schippers lại lên tiếng bảo vệ quy định mới này. Ông chỉ ra các nước như Thụy Điển, Phần Lan và Anh vẫn đang áp dụng các quy định tương tự.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đối tượng phụ nữ đang kết hôn với đàn ông song tính. Nguyên nhân là vì những phụ nữ từng quan hệ với đàn ông có quan hệ đồng tính cũng là đối tượng bị cấm hiến máu.
Đầu năm nay, theo báo cáo của nhiều tổ chức nhân đạo, số lượng người hiến máu tại Châu Âu đã giảm đến 40% trong vòng một thập kỷ. Nhiều dự đoán cho rằng các dịch vụ cung cấp, hiến tặng máu sẽ nhanh chóng rơi vào khủng hoảng vì thiếu hụt nguồn cung.
Những quy định mới về hiến máu được áp dụng ở các nước nói trên có thể được xem là một cách giải quyết hiệu quả, và được sự ủng hộ của nhiều đảng phái chính trị đối lập.
Minh Chánh (Theo GSN)