UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) vừa có thông báo về việc tạm dừng đấu giá 114 lô đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.
Hạ tầng và bất động sản

Hà Nội: Huyện Thanh Oai tạm dừng đấu giá 114 thửa đất

Hoài Lam 11:40 04/09/2024

UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) vừa có thông báo về việc tạm dừng đấu giá 114 lô đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.

Huyện Thanh Oai hoãn đấu giá đất

Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức 2 đợt đấu giá 114 lô đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.

Trong đó, đợt đấu giá thứ nhất với 57 lô do Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam thực hiện; đợt đấu giá thứ hai sẽ do Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia điều hành.

UBND huyện Thanh Oai cho biết sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá khi rà soát lại các pháp lý, điều kiện để mở cuộc đấu giá, đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Trước đó, đơn vị được lựa chọn để thực hiện phiên đấu giá này là Công ty Đấu giá hợp danh Trường Sơn. Tuy nhiên, công ty này đã có thông báo dừng tổ chức phiên đấu giá để UBND huyện Thanh Oai xác định lại mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương theo quyết định của UBND TP.Hà Nội. Sau đó, Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam lại là đơn vị được chọn để tổ chức phiên đấu giá này và dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 8.9 tới đây.

to-1.jpg
Huyện Thanh Oai (Hà Nội) tạm dừng đấu giá 114 thửa đất ở xã Cao Dương

Được biết, 57 lô đất (đợt 1) có tổng diện tích 5.117,76m2 có giá khởi điểm cho mỗi lô là 8,8 triệu đồng/m2, cao hơn gần 800.000 đồng so với thông báo đấu giá trước đó. Các lô đất này có diện tích từ 74,63m2 đến 134,69m2.

Không riêng Thanh Oai, trong thông báo ngày 27.8, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia cũng cho biết sẽ tạm dừng đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội).

Các lô đất này có diện tích 48 - 72 m2, giá khởi điểm 22 - 32 triệu đồng/m2, khoản tiền đặt trước 221 - 436 triệu đồng/thửa. Kế hoạch ban đầu, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 7.9.

Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia thông tin, việc tạm dừng đấu giá được thực hiện theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông. Buổi đấu giá sẽ được tổ chức lại ngay sau khi công ty nhận được quyết định từ quan chức năng.

Trước đó, ngày 22.8, huyện Hoài Đức thông báo dừng đấu giá 52 lô đất tại khu Lòng Khúc - nơi ghi nhận mức trúng đấu giá lên tới 133 triệu đồng/m2.

Theo kế hoạch, ngày 26.8, huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá 20 lô đất tại khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên). Diện tích của các lô này dao động từ 89m2 đến 145m2/lô, mức giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2, mức tiền cọc 109 - 172 triệu đồng/thửa. Tuy nhiên, phiên đấu giá này bị tạm dừng, thời gian tổ chức lại buổi đấu giá sẽ được UBND huyện Hoài Đức thông báo sau.

Ngoài ra, buổi đấu giá 32 thửa đất thuộc các lô LK05, LK06 cũng bị ngưng tổ chức. Các thửa này có diện tích 97 - 172 m2/thửa, mức giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2, khoản tiền trả trước khoảng 141 - 251 triệu đồng/thửa.

Nghiên cứu đánh thuế để chống đầu cơ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg vào ngày 21.8 yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngay sau đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là sau hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp 7 - 8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu và ban hành dự luật chống đầu cơ đất đai với những quy định như: xử phạt tiền đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc mà không có lý do chính đáng; cấm chuyển nhượng quyền sở hữu mảnh đất đã trúng đấu giá trong một thời hạn nhất định; xử phạt các cá nhân đã trốn cọc hoặc không tham gia đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định để răn đe và bảo vệ thị trường.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể xem xét xây dựng hệ thống đánh giá độ tín nhiệm của các cá nhân và doanh nghiệp dựa trên lịch sử tham gia đấu giá, trong đó các đối tượng từng có hành vi “lướt cọc” hoặc “bỏ cọc” sẽ bị đưa vào danh sách đen và không được phép tham gia đấu giá.

to-2.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw

Ông Hà cũng cho rằng việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu và khuyến khích sử dụng bất động sản một cách hiệu quả. Các nước trên thế giới đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế cao. Ngoài ra, với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai.

“Điều này có thể giúp tăng cường nguồn cung trên thị trường, góp phần làm ổn định giá cả. Tuy nhiên, để phát huy tốt chính sách này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét các tiêu chí để xác định thời điểm nào, đối tượng nào, trường hợp nào sẽ bị đánh thuế bất động sản”, ông Hà nói.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.

“Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác”, ông Tuấn nhận định.

Bài liên quan
Real Madrid bán đấu giá tủ quần áo của các huyền thoại
Trang Business Today đưa tin những vật phẩm lịch sử của sân vận động Santiago Bernabéu đã được câu lạc bộ Real Madrid hợp tác với đơn vị Sotheby's đưa ra đấu giá tại Luân Đôn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Huyện Thanh Oai tạm dừng đấu giá 114 thửa đất