Đó là lưu ý của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng. Theo ông Dũng, mặc dù TP đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hà Nội: Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh

Lam Thanh | 22/09/2021, 16:02

Đó là lưu ý của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng. Theo ông Dũng, mặc dù TP đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tổng thu ngân sách 8 tháng trên 164.400 tỉ đồng

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Hà Nội khóa 16 khai mạc ngày 22.9, Phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm vẫn đạt những kết quả nhất định.

Cụ thể, tổng thu ngân sách trong 8 tháng là trên 164.400 tỉ đồng, đạt 69,8% dự toán trung ương giao (đạt 65,4% dự toán của TP), bằng 110,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 8 tháng là trên 39.000 tỉ đồng, đạt 36% dự toán năm và bằng 90,5% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực có mức thu tốt là hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 14.300 tỉ đồng, đạt 77,2%, bằng 119,9% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 910 tỉ đồng, đạt 72,8% dự toán, bằng 48,5% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt trên 149.000 tỉ đồng, đạt 69,2% dự toán trung ương giao.

UBND TP.Hà Nội đánh giá, kinh tế thủ đô duy trì tăng trưởng, trong quý 1/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,17%, gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (các nhóm ngành tăng là dịch vụ tăng 4,45%, gấp 1,17 lần so với cùng kỳ; công nghiệp-xây dựng tăng 7,99%, gấp 1,43 lần; nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2,51%...).

hdnd.jpg
Kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Hà Nội khóa 16

Trong quý 2/2021, GRDP tăng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (2,92%).

Tuy nhiên, hoạt đông thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. TP đã tạm dừng tất cả các hoạt động dịch vụ không thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm đạt trên 349.000 tỉ đồng, giảm 6,3% (cùng kỳ năm 2020 tăng 7,4%).

Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đạt trên 244.000 tỉ đồng, giảm 0,8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 26.000 tỉ đồng, giảm 21,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.200 tỉ đồng, giảm 50,3%; vận tải hành khách đạt 185 triệu lượt hành khách, giảm 2,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 9.300 tỉ đồng, giảm 10%....

Phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, TP triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, TP tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo các cấp các ngành sớm hoàn thiện và tham mưu báo cáo trung ương 3 nội dung để tạo hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của TP.

Thứ nhất là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ hai, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho từng thời kỳ.

Thứ ba, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (sửa đổi).

Không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh

Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn TP xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Đến nay chỉ còn 9 chùm ca bệnh, tuy nhiên các chùm ca bệnh này cũng đã được kiểm soát tốt.

Số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh (31 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại lần giãn cách thứ nhất); số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (từ 49,15% xuống 10,6%), số ca chuyên nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. Hiện Hà Nội còn 63/637 tổng số điểm phong tỏa.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8 - 15.9, Hà Nội đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; qua đó phát hiện 21 ca dương tính.

chu-xuan-dung.jpg
Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng

TP đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.

Kết quả tiêm chủng đến ngày 15.9, các quận, huyện, thị xã đã tiêm 5.424.259 mũi (4.924.015 mũi 1 và 500.244 mũi 2); các bệnh viện trung ương đã tiêm 986.271 mũi (725.566 mũi 1; 260.705 mũi 2). Số mũi 1 đã tiêm 5.649.581, tương ứng với 5.649.581 người trên 18 tuổi được tiêm (đạt 93,8%), tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, người dân không được chủ quan lơ là vì tình hình dịch vẫn còn phức tạp, khó lường. Trên địa bàn TP còn có thể xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng. Đặc biệt là các ca bệnh phát hiện qua ho, sốt (từ ngày 1.8 đến nay đã phát hiện được 180 ca ho, sốt nguyên phát và 2.420 ca ho, sốt thứ phát).

Ngoài ra đã xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh trong các chuỗi cung ứng, công sở, chợ, khu dân cư, khu chung cư...; chủng vi rút biến thế Delta lây lan mạnh, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 ngày) nên còn những ca bệnh có thể còn lẩn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện được…

Ông Dũng cho biết trong thời gian tới Hà Nội sẽ phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân từ trên 18 tuổi chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vắc xin được phân giao của Bộ Y tế.

Ngoài ra, theo ông Dũng, chính quyền sẽ củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sĩ” là trung tâm, là chủ thể phòng chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị.

Bài liên quan
Shark Hưng: Chung cư Hà Nội đang tăng giá đột biến, sẽ khó giảm
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho rằng những người làm bất động sản (BĐS) đều cảm thấy phân khúc chung cư ở Hà Nội đang tăng giá một cách đột biến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh