Việc đoạn đê bao Hữu Bùi “vỡ có kế hoạch” đã khiến cuộc sống của toàn bộ người dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hà Nội: Nhà ngập đến nóc, dân bị cô lập khi đê 'vỡ có kế hoạch'

Anh Thư | 14/10/2017, 18:12

Việc đoạn đê bao Hữu Bùi “vỡ có kế hoạch” đã khiến cuộc sống của toàn bộ người dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đê Hữu Bùi dài 12 km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được UBND TP Hà Nội đầu tư 120 tỉ đồng. Đoạn đê gặp sự cố dài khoảng 3km nối hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến. Đây lần đầu tiên trong 10 năm qua nước lũ theo mưa tràn đê Hữu Bùi gây vỡ và ngập lụt lớn.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết xã Nam Phương Tiến có khoảng gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng với gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập sâu. Nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.

Trong đó 2 thôn Nhân Lý và Nam Hai bị ngập nặng nhất. Riêng thôn Nhân Lý dường như bị cô lập. Nhiều nhà ở gần đê nước ngập gần đến nóc, phải tìm chỗ khác nương náu. Đường dẫn vào thôn khi ngập cao nhất đến thắt lưng, dân phải dùng thuyền, thúng để di chuyển.

Còn ông Lê Hoài Thi, Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ cho biết đoạn đê bao Hữu Bùi bị lở trôi khiến 8 thôn thuộc xã bị ngập trong biển nước. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều diện tích hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.

Đến cuối buổi chiều qua 13.10, tuy nước tại khu vực đê bị vỡ được cho biết không còn chảy nữa, mực nước hai bên đã bằng nhau nhưng khả năng “nước rút phụ thuộc vào thời tiết”.

Bên cạnh diễn biến của mưa lũ phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người dân, vấn đề liên quan được nhiều người quan tâm theo dõi chính là sự ứng phó của các cán bộ, cơ quan hữu quan trước tình hình này.

Sáng 12.10, báo chí đồng loạt đưa tin vỡ đê Chương Mỹ ở Hà Nội, nhấn chìm nhiều khu vực nhưng rất may không có thiệt hại về người. Cụ thể khúc đê vỡ là Hữu Bùi thuộc 2 xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến.

Chiều cùng ngày, ông Lê Trọng Khuê, Bí thư huyện Chương Mỹ đã bác bỏ thông tin và khẳng định đê Hữu Bùi chỉ bị "sạt trượt" 10m chứ không có chuyện vỡ đê. “Quá trình tràn nước có thể có những điểm sạt chứ không phải vỡ. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện”, ông Khuê nói.

Tuy nhiên, nội dung báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai được báo chí đăng tải sáng 13.10 lại cho biết: Hà Nội bị 1 sạt lở mái đê, bị tràn 11 đoạn đê khoảng gần 14.000m và bị vỡ đê Hữu Bùi huyện Chương Mỹ (bao ngăn lũ núi) dài 15m.

Tối 13.10, trao đổi với báo chí xung quanh việc vỡ đê Hữu Bùi, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội nói: "Dân nhìn vào nói vỡ nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ trong chuyện đối phó”.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội. Ảnh: VNE.

“Nói vỡ đê thì chưa hẳn đúng mà trong quá trình nước tràn thì một điểm đê ứ, bị mất chân và phá luôn điểm đó. Nước sau đó tràn vào vùng chứa lũ và chúng ta đã chủ động đưa nước vào vùng bờ lũ của sông Bùi để đảm bảo an toàn cho đê Tả Bùi. Việc vỡ này hay còn gọi tràn để vỡ chân đê là có chủ động và vào vùng chứa lũ chứ không phải vùng được bảo vệ tuyệt đối”, ông Thịnh giải thích.

Mặc dù có thể đê bao Hữu Bùi vỡ là theo kế hoạch, tính toán của cơ quan chức năng nhưng vì sao họ không dự tính trước thiệt hại từ việc này và thông báo cho người dân khỏi bất ngờ?

Hiện trước mắt, mỗi gia đình vùng lũ được hỗ trợ 1 bình nước, 1 thùng mì tôm và 2 cây nến.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.

Mưa lớn đã làm ngập khoảng 9.900m đê gồm thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn.

A.Thư tổng hợp - Ảnh: VNN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiêu thụ điện lập kỷ lục, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng cao
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, có ngày lên tới gần 1 tỉ kWh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Nhà ngập đến nóc, dân bị cô lập khi đê 'vỡ có kế hoạch'