Gần một tuần nay, các làng, xã ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức của Hà Nội bị ngập nặng, một số khu vực bị chia cắt bởi nước lũ.
Theo dòng thời sự

Hà Nội: Nhiều làng xã ven sông Bùi, sông Tích ngập nặng nhiều ngày

Lam Thanh 30/07/2024 14:46

Gần một tuần nay, các làng, xã ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức của Hà Nội bị ngập nặng, một số khu vực bị chia cắt bởi nước lũ.

Theo thống kê tại huyện Chương Mỹ, khoảng 11 xã, 27 thôn, xóm bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 1.300 nhà dân bị ngập 0,5 - 2m, hơn 1.100 hộ khác bị ngập lối đi; 5,5km đê bị ngập, 37m bị sạt lở…

Người dân Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Mỹ Đức) cho biết, mực nước dâng cao ngang với năm lũ lịch sử 2008, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân vô cùng bất tiện. Con đường chính dẫn vào thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến ngập hơn 1m. Phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân những ngày này là xuồng.

Đối với thiệt hại về tài sản, nặng nhất có lẽ là công trình xây dựng của hộ bà Nguyễn Thị Thìn (Quốc Oai) đã bị sập do sạt lở đất, gồm có nhà ở 1 tầng, diện tích khoảng 160m2, công trình phụ diện tích khoảng 230m2.

anh-man-hinh-2024-07-30-luc-13.50.24.png
Ngập nặng tại nhiều huyện của Hà Nội

Người dân cho biết họ đang rất lo lắng khi dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết mưa lớn vẫn kéo dài. Điều này sẽ khiến nước sông Bùi, sông Nhuệ và sông Tích tiếp tục lên cao và xuống chậm; tình trạng ngập úng tại một số nơi ở Chương Mỹ, Quốc Oai sẽ còn phức tạp.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 22.7 - 7 giờ, ngày 29.7 trên địa bàn huyện là 406,1mm. Tính đến 7 giờ ngày 29.7.2024, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt 7,40m (cao hơn báo động 3 là 0,40m); mực nước sông Đáy tại Ba Thá 6,30m (dưới mức báo động 3 là 0,3m); mực nước các hồ: Hồ Miễu 39,55/39,5m; hồ Đồng Sương 18,35/18,2m; hồ Văn Sơn 19,55/19,5m.

Đối với công trình thủy lợi: bị vỡ 2 vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến); hư hỏng 601m kênh (tại xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến); hư hỏng 103 cầu, cống, đập nhỏ; có 4.805m đê bị ngập nước (0,2 - 90cm) thuộc địa bàn 11 xã; trên địa bàn huyện có 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó, 1.343 hộ bị ngập từ 0,5 - 2m; 1.501 hộ bị ngập lối đi. Có 715ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 444ha thiệt hại từ 30 - 70%. Có 242ha diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% và 86ha thiệt hại từ 30 - 70%...

Để ứng phó với ngập úng, toàn huyện huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia; đã sử dụng 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon để đắp chống tràn 2.000m đê tại các đê; xử lý 200m mạch xủi tại đê Hữu Bùi, xã Tốt Động và di dân cho dân; vận hành 17 trạm với 64 máy bơm; cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20L) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng…

Tại huyện Quốc Oai, 789ha diện tích cây nông nghiệp bị ngập và nhiều cầu, đường; tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê.

chuong-my-3.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân

Đại tá Nguyễn Thành Trung, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cho biết Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện đã nhanh chóng có mặt tại các xã bị ảnh hưởng nặng, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó, lên phương án bảo vệ người và tài sản, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai.

Ngoài ra, Công an huyện đã trao đến người dân những phần quà thiết thực, cũng như chủ động sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoạt động phòng, chống bão lụt; tổ chức lực lượng và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi.

Trước đó, trong chuyến thị sát tình hình ngập lụt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh tại huyện Chương Mỹ còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ, do đó, huyện phải tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Bí thư Hà Nội cũng lưu ý, đối với 4,8km đê nguy cơ suy yếu trên địa bàn, huyện Chương Mỹ phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố, bám sát tình hình để tập trung chỉ đạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng người dân.

hoai-1.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài thị sát các địa phương ngập lụt

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đề nghị Nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả, đồng thời đề nghị tỉnh Hà Nam điều tiết nước để giảm áp lực cho đê sông Bùi.

11g sáng 30.7, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình.

Bài liên quan
Di tích, danh thắng ở Hà Nội sẵn sàng đón khách trở lại sau bão số 3
Các khu di tích, danh thắng ở Hà Nội đã được tổng vệ sinh môi trường và sẵn sàng tiếp tục đón khách trở lại sau bão số 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển
3 giờ trước Sự kiện
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới; quy định, chính sách nào tốt nhất cho đất nước thì cương quyết làm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Nhiều làng xã ven sông Bùi, sông Tích ngập nặng nhiều ngày