Gần nửa thế kỷ sau khi chế độ độc tài quân sự Hàn Quốc xử treo cổ quan chức truyền thông CHDCND Triều Tiên Lee Su-kun trốn qua Hàn Quốc năm 1967, một cấp tòa ở thủ đô Seoul vừa tuyên xử xóa tội điệp viên cho Lee.
Theo báo New York Times ngày 16.10, trong số hơn 30.000 người Triều Tiên trốn qua Hàn Quốc, trường hợp của Lee rất bi kịch.
Cuộc đào thoát khỏi Triều Tiên thành công...
Ngày 22.3.1967, Lee trốn qua Hàn Quốc từ làng ngưng bắn Bàn Môn Điếm nằm giữa hai miền. Lúc đó, Bàn Môn Điếm là vùng trung lập, quân đội Triều - Hàn canh giữ rất nghiêm ngặt.
Lúc đó, Lee được 44 tuổi, là phó lãnh đạo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên. Ông đến Bàn Môn Điếm để đưa tin về cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Bộ chỉ huy quân LHQ do Mỹ dẫn đầu. Và ông bí mật liên hệ các quan chức Mỹ giúp ông trốn khỏi Triều Tiên.
Được sự đồng ý, Lee trốn vào một chiếc xe của Bộ chỉ huy quân LHQ do trung sĩ Terry McAnelly lái, trung tá Donald Johnson ngồi ghế bên cạnh, húc đổ một hàng rào gỗ tại một chốt kiểm soát của Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm. Hai lính biên phòng Triều Tiên lập tức chạy theo phía sau, bắn hơn 40 phát đạn nhưng cả ba người trên xe trốn thoát.
Cuộc vượt thoát ngoạn mục của Lee liền được chính quyền quân sự Hàn Quốc sử dụng làm công cụ tuyên truyền. 50.000 người chào đón ông như một anh hùng ở cuộc tập kết tại Seoul, và Lee được tặng một căn nhà, một xe con, nhiều tiền mặt cùng nhiều món quà.
Lee bỏ lại vợ và 3 con ở miền Bắc Triều Tiên, và chính quyền quân sự giúp ông cưới một nữ giảng viên đại học (từng sống ở Mỹ) làm vợ. Ông đi tuyên truyền chống cộng sản khắp Hàn Quốc.
Lúc đó, Lee cho biết ông trốn vì sắp bị thanh trừng, lý do là không tập trung chú ý đưa tin về các phát biểu của nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Lee mô tả cuộc sống ở Triều Tiên là “địa ngục”, nhân dân phải lao động nhiều giờ, các buổi tuyên truyền chính trị kéo dài đến nửa đêm và truy bắt những phần tử chống đối chính quyền Triều Tiên.
....Nhưng trốn khỏi Hàn Quốc bất thành
Tuy nhiên, cuộc sống của Lee ở Hàn Quốc cũng không vui sướng gì. Ông luôn bị theo dõi vì có những dấu hiệu phản bội. Các điệp viên Hàn Quốc đánh ông mỗi khi ông không thực hiện đủ kịch bản xuyên tạc Triều Tiên của họ, theo các cuộc điều tra những năm gần đây cho biết.
Tháng 1.1969, Lee giả dạng bằng cách đeo râu và tóc giả, đáp một chuyến bay trốn khỏi Hàn Quốc, sử dụng một hộ chiếu giả với sự giúp đỡ của người cháu trai Pae Kyung-ok của người vợ Triều Tiên.
Nhưng điệp viên Hàn Quốc bắt được Lee khi trên đường đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Lee bị một máy bay quân sự Hàn Quốc đưa trở lại Seoul, và CIA Hàn Quốc (cơ quan tình báo của nước này lúc đó) tuyên bố cuộc đào thoát khỏi Triều Tiên của Lee là “giả”, nhằm tạo điều kiện cho ông hoạt động do thám ở Hàn Quốc.
Báo chí Hàn Quốc chạy tin nóng “sốc và đáng tởm” về Lee, người lớn đốt hình nộm của ông, trong khi trẻ con hát một bài hát chế nhạo Lee là “điệp viên cộng sản”, theo Times.
Đến tháng 7.1969, Lee bị xử tử hình bằng cách treo cổ, chưa đầy hai tháng sau khi ông nhận tội là điệp viên của Triều Tiên.
Trước giá treo cổ, ông đã xin lỗi người vợ và các đứa con ở miền bắc Triều Tiên, và người vợ ở Hàn Quốc, theo báo chí Hàn Quốc thời đó.
Cuộc giải oan muộn màng của Hàn Quốc
Nhưng một số nhà báo và các nhà sử học từ lâu đã đặt các dấu hỏi về vụ Lee. Năm 2007, Ủy ban tìm kiếm sự thật - hòa giải (cơ quan điều tra các chế độ độc tài quân sự Hàn Quốc ngược đãi nhân quyền, đã giải tán) tuyên bố Lee và cháu trai Pae liên tục bị điệp viên Hàn Quốc tra tấn, và yêu cầu mở lại cuộc xét xử.
Pae từng bị 21 năm tù và được trả tự do năm 1989. Ông được tuyên xử trắng án khi mở lại vụ xét xử hồi năm 2008. Nhưng gia đình trực hệ của Lee không làm đơn xin xét xử lại. Mãi đến năm 2017, ngành công tố mới vào cuộc hoàn tất khâu giấy tờ cần thiết này.
Ngày 11.10, Chánh án Kim Tae-up của Tòa Quận Trung tâm Seoul tuyên phán quyết, rằng Lee bị kết án tử hình oan, dựa trên những cáo buộc giả và lời nhận tội của anh là bị bức cung sau khi bị tra tấn: “Ông ấy đã không được trao cơ hội thực thi quyền tự bào chữa, bị vu cáo là kẻ bỏ trốn giả. Đã đến lúc tìm sự tha thứ của người bị buộc tội và từ gia đình ông ấy, vì sự sai lầm đã phạm trong thời độc tài”.
Vị chánh án còn nói không hề có bằng chứng Lee là điệp viên của Triều Tiên, và cũng không có chứng cứ cuộc đào thoát của ông là một âm mưu của Bình Nhưỡng.
Ngược lại, đã phát hiện Lee thật sự chán nản với cả hai chính quyền Triều Tiên và Hàn Quốc, nên ông muốn tái định cư ở một nước thứ ba.
James M. Lee, một người Mỹ gốc Triều Tiên từng làm việc ở Bộ chỉ huy quân LHQ và giúp Lee trốn từ Bàn Môn Điếm, từng viết trong hồi ký mà một tạp chí Hàn Quốc đăng nhiều kỳ hồi cuối những năm 1990, nói: “Tôi cho rằng Lee không thể sống cả ở Triều Tiên lẫn Hàn Quốc”.
Nỗ lực bóc trần sự thật này từng bị gián đoạn năm 2008, khi các chính khách bảo thủ ngưng các cuộc điều tra của chính phủ thuộc cánh tự do, về những vụ thảm sát hàng loạt và vi phạm nhân quyền ở Hàn Quốc.
Nhưng đến năm 2017, gia đình của các nạn nhân nuôi lại hy vọng, khi ông Moon Jae-in thuộc cánh tự do trúng cử Tổng thống Hàn Quốc, người chủ trương hòa giải với Triều Tiên.
Trung Trực (theo New York Times)