Bị nhốt sau tấm kính, một chú gấu mèo mập mạp chạy vài giây trên bánh xe tập thể dục rồi rơi phịch xuống sàn. Ở chuồng bên cạnh cặp cầy thảo nguyên đang treo mình trên khúc gỗ.
Bên kia vách ngăn, nhiều khách hàng vừa thưởng thức cà phê vừa chụp ảnh những con vật. Đây là cảnh tượng quen thuộc trong các quán cà phê động vật nở rộ khắp Hàn Quốc.
Mô hình cà phê động vật phổ biến tại Hàn Quốc từ thập kỷ qua, đầu tiên chỉ có chó, mèo, sau đó thêm cả động vật hoang dã độc lạ. Chỉ riêng quán cà phê trên địa bàn thủ đô Seoul mà đài CNN mô tả ở trên đã có hơn 40 loài động vật như nhím, rắn, cáo, chồn sương,…
Nhưng không phải ai cũng thích, nhiều nhóm bảo vệ động vật liên tục thúc đẩy hạn chế hay thậm chí cấm mô hình kinh doanh này. Tiếng nói phản đối ngày càng tăng buộc chính phủ Hàn Quốc phải siết chặt quản lý bằng bộ luật mới có hiệu lực tháng 12.2023, cấm các quán cà phê động vật trừ phi họ đăng ký hoạt động với tư cách vườn thú hoặc thủy cung.
Giới chuyên gia đánh giá đây là bước đi tích cực, nhưng chính phủ cần hành động nhiều hơn vì phạm vi luật còn hẹp và các chủ quán không đồng tình. Theo giám đốc Cục Quản lý động vật thuộc Viện Sinh thái quốc gia Hàn Quốc Jang Ji-deok: “Tôi nghĩ tác động của luật sẽ rất nhỏ. Tuy nhiên luật ra đời cho thấy tình hình đang dần tốt hơn”.
Quán cà phê động vật nở rộ
Quán cà phê mèo đầu tiên trên thế giới được mở tại Đài Loan vào năm 1998, sau đó cơn sốt lan rộng toàn quốc tế. Tại Hàn Quốc thì mô hình kinh doanh này nở rộ từ đầu thập niên 2010. Trong một quán cà phê động vật điển hình, khách hàng có thể thưởng thức đồ ăn thức uống và vuốt ve hoặc cho thú ăn – một trải nghiệm mới lạ với cư dân thành thị ít được tiếp xúc động vật chưa thuần hóa.
Động vật trong quán dần mở rộng theo thời gian. Gần đây cư dân Seoul Kang Aesol vừa ghé một quán cà phê cừu để thư giãn sau khoảng thời gian làm việc.
“Khi nhìn thấy sự ngây thơ của động vật, cơn giận trong lòng bạn sẽ tan biến. Con cừu có vẻ rất thoải mái và tôi cũng vậy”, Kang chia sẻ.
Trước lúc chính phủ áp dụng bộ luật mới, có rất ít quy định quản lý quán cà phê động vật. Đạo luật bảo vệ động vật trước đó chỉ cấm thu thập và buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như vậy các quán cà phê nuôi động vật hoang dã như gấu mèo hay gia súc như cừu không phạm pháp. Họ càng được bảo vệ nhờ đăng ký hoạt động với tư cách quán ăn hoặc địa điểm thư giãn.
Nhu cầu tăng đem đến lợi nhuận lớn. Công ty tư vấn Aevan khuyên chủ quán cà phê, quán ăn hay cửa tiệm khác đang gặp khó khăn do không bán được hàng hãy chuyển sang mô hình quán cà phê động vật để thu về lợi nhuận lớn.
Theo ước tính của Aevan, một quán cà phê chó chỉ cần ít nhất 40.000 USD chi phí thành lập nhưng mang lại lợi nhuận ròng hơn 15.000 USD/tháng.
Mạng xã hội góp phần làm tăng nhu cầu. Vô số blog du lịch, video Youtube hay bài đăng trên Instagram giới thiệu các quán cà phê động vật trên khắp Hàn Quốc. Một quán cà phê chó trên địa bàn Seoul có hơn 81.000 người theo dõi trên Instagram và hàng dài người ghé thăm.
Tiếng nói phản đối
Đi kèm lợi nhuận lớn là hàng loạt chỉ trích. Phương tiện truyền thông lưu ý đến không gian sống chật hẹp của động vật trong các quán, tình trạng động vật bị căng thẳng do khách thường xuyên đụng chạm chúng hay nhiều vấn đề sức khỏe khác do chế độ ăn uống xấu,…
Nhiều quán có quy định như cấm khách đụng chạm vài loài nhất định hoặc không cho phép trẻ em ở độ tuổi nhất định vào. Kang cho biết quán cà phê cô ghé thăm ngăn khách làm cừu giật mình, đồng thời đặt bồn rửa để khách rửa tay trước lẫn sau khi vuốt ve con vật.
Kang chỉ vuốt ve cừu chút ít vì sợ khiến chúng khó chịu. Thời gian còn lại cô ngồi quan sát chúng ăn và nghỉ ngơi.
Nhưng theo giới chuyên gia, không phải quán nào cũng đặt ra quy định nghiêm ngặt. Ngoài ra, tiếp xúc gần cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Nỗ lực ra luật mới
Bất chấp nhiều năm vận động, các nỗ lực thúc đẩy ban hành quy định quản lý nghiêm ngặt hơn đều thất bại cho đến bộ luật mới có hiệu lực vừa qua.
Theo luật mới, quán cà phê động vật phải đăng ký hoạt động với tư cách vườn thú hoặc thủy cung mới được phép trưng bày “động vật hoang dã sống”. Các quán đang kinh doanh có 4 năm để thay đổi giấy phép hoặc phải đóng cửa. Để đề phòng nguy cơ số động vật bị bỏ rơi tăng vọt, Bộ Môi trường Hàn Quốc lập thêm một số cơ sở tiếp nhận.
Giám đốc Jang cho biết tư cách vườn thú hoặc thủy cung đặt ra một số tiêu chuẩn nhất định về điều kiện nuôi nhốt, nhân sự chăm sóc, quản lý an toàn, kiểm tra thường xuyên mà chủ quán phải tuân thủ – qua đó giúp cải thiện môi trường sống của động vật.
Luật mới khiến giới chủ quán cà phê lo lắng. Koo Jung-hwan - chủ quán cà phê cầy vằn tại Seoul - đang phân vân nên kiện chính phủ, thay đổi giấy phép hay đóng cửa. Hiện tại ông vẫn duy trì hoạt động.
“Luật cấm quán cà phê động vật nhưng lại chẳng đưa ra lựa chọn thay thế hay giải pháp xử lý số động vật trong quán. Đáng ra chính phủ nên nghĩ đến chuyện này. Tôi sẽ giữ cầy vằn dù cho phải đóng cửa, chúng là gia đình của tôi nên tôi có nhiệm vụ chăm sóc chúng”, Koo chia sẻ.
Một số nhà hoạt động vì quyền lợi động vật nhận định luật mới chưa đủ bao quát, chỉ tập trung vào quán cà phê động vật hoang dã mà bỏ qua quán trưng bày thú nuôi hay gia súc. Giám đốc Jang cho rằng khả năng chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng luật không cao vì họ không muốn “giết chết” ngành kinh doanh này. Tuy nhiên vẫn có vài phương án hài hòa giữa lợi ích chủ quán với tiếng nói của giới bảo vệ quyền lợi động vật: triển khai chương trình giáo dục nâng cao nhận thức ngay tại quán cà phê, yêu cầu khách đeo găng tay khi tiếp xúc động vật, giới hạn thời gian tiếp xúc.