Dù được quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhưng thực tế, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Hana Miss phân phối chỉ là mỹ phẩm, không hề có chức năng “trị mụn, điều trị mụn…”

Hana Miss: Mỹ phẩm đội lốt thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng

Hoài Lam | 27/04/2021, 12:39

Dù được quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhưng thực tế, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Hana Miss phân phối chỉ là mỹ phẩm, không hề có chức năng “trị mụn, điều trị mụn…”

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Hana miss Peel Ginseng Whitening Acnes do Công ty TNHH Hana Miss (Địa chỉ: 120/49 Đường Số 59, P.14, Gò Vấp, TP.HCM; Đại diện pháp luật Nguyễn Trung Trực) phân phối được quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh, có chức năng điều trị bệnh, trái với quy định pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng.

hana.png
Sản phẩm được quảng cáo trị mụn như thuốc chữa bệnh

Cụ thể, sản phẩm kem Peel Ginseng Whitening Acnes (Kem chấm mụn) được quảng cáo là một trong những dòng kem trị mụn hot nhất thị trường hiện nay; sản phẩm giúp cung cấp tái tạo tế bào da ngay từ bên trong, giải quyết và ngăn ngừa các loại mụn và nám, hạn chế tối đa việc hình thành sẹo và vết thâm do mụn gây ra”…

Những quảng cáo trái với quy định pháp luật và công dụng của sản phẩm này cũng được đăng tải tại website https://hanamiss.vn (thông tin chủ quản là Công ty TNHH Hana Miss (Mã số thuế: 0316693463).

Tra cứu thông tin Số công bố 000572/21/CPMP - HCM (được in trên bao bì sản phẩm Peel Ginseng Whitening Acnes) tại Cổng thông tin Sở Y tế TP.HCM cho thấy đây là một trong những số công bố dành cho mỹ phẩm, được Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế TP.HCM cập nhật ngày 7.4.2021. Như vậy, có thể thấy sản phẩm Peel Ginseng Whitening Acnes được cơ quan chức năng công nhận là mỹ phẩm, chứ không phải là thuốc.

hana-1.jpg
Đặc trị được sẹo, mụn, tàn nhang...

Theo Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25.1.2011 về quản lý mỹ phẩm quy định: "Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm, được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người, hoặc răng và niêm mạc miệng, với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt".

Ông Cường cho hay, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị" để quảng cáo cho người tiêu dùng".

Theo đó, việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

hana-2.jpg
Quảng cáo trị mụn như thuốc chữa bệnh

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 7/VBHN-BYT ngày 16.3.2021 của Bộ Y tế thì sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Phụ lục của thông tư này nêu rõ, những từ ngữ giới thiệu tính năng không được chấp nhận trong việc công bố mỹ phẩm là: Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn.

Ngoài ra, theo Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, điều kiện tiên quyết là: Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Do đó, có thể thấy nội dung quảng cáo sản phẩm nhãn hiệu Hana Miss tại website thương mại điện tử và các tài khoản mạng xã hội kể trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, website www.hanamiss.vn còn ngang nhiên đăng logo của Bộ Y tế cùng lời khẳng định: “Bộ y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia”; “ Hana Miss là đơn vị có quy trình gia công mỹ phẩm thiên nhiên tiêu chuẩn cGMP được Bộ Y tế công nhận...”

hana-3.jpg
Bộ Y tế công nhận?

Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nếu doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN) thì trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế nơi đặt nhà máy có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho doanh nghiệp này.

Trong khi đó, công ty TNHH Hana Miss mới được thành lập vào tháng 1 năm 2021, trụ sở chính tại TP.HCM, không có chi nhánh ở tỉnh, thành khác. Hơn nữa, trong danh sách các cơ sở sản xuất mỹ phẩm được Sở Y tế TP.HCM cấp phép từ đầu năm 2021 cho đến nay, không có tên của doanh nghiệp này.

Phải chăng doanh nghiệp Hana Miss chỉ lợi dụng danh nghĩa Bộ Y tế để “nổ” với khách hàng và đại lý chứ không hề được cấp phép sản xuất, gia công mỹ phẩm?  

Bài liên quan
Bộ Y tế: Nhiều đơn vị đưa mỹ phẩm ra thị trường với địa chỉ, số điện thoại 'ma'
Một số doanh nghiệp đưa mỹ phẩm ra thị trường Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không thể liên lạc được, vì doanh nghiệp cung cấp số điện thoại, địa chỉ “ma”, gây khó khăn cho công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hana Miss: Mỹ phẩm đội lốt thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng