Hơn 30 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng vải và quần áo ở chợ Tân Bình (TP.HCM) cùng viết đơn lên chính quyền địa phương tố cáo bà Đỗ Thị Mỹ H (sinh năm 1982) về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm hàng tỉ đồng thông qua mua bán mặt hàng vải và quần áo may sẵn.

Hàng chục tiểu thương bị “xù nợ” tiền tỉ

Một Thế Giới | 12/09/2013, 14:47

Hơn 30 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng vải và quần áo ở chợ Tân Bình (TP.HCM) cùng viết đơn lên chính quyền địa phương tố cáo bà Đỗ Thị Mỹ H (sinh năm 1982) về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm hàng tỉ đồng thông qua mua bán mặt hàng vải và quần áo may sẵn.

           

Kịch bản “để mai trả”

Theo danh sách những người bị hại được các tiểu thương liệt kê ở đơn tố cáo lên Công an phường 8, quận Tân Bình, số tiền thiệt hại của các tiểu thương khoảng 7,8 tỉ đồng.

Như các tiểu thương trình bày, bà H buôn bán mặt hàng vải và quần áo ở chợ Tân Bình khoảng 2 năm nay. Lợi dụng lòng tin và thói quen buôn bán của các tiểu thương ở chợ Tân Bình, bà H gọi điện cho các tiểu thương đặt hàng với số lượng lớn. Khi tiểu thương giao hàng, bà H chỉ thanh toán trước một ít rồi hẹn sẽ trả tiền sau. Số hàng mua được, bà H bán lại cho các cửa hàng khác với giá chỉ bằng 70% giá của các tiểu thương giao.

Sau một thời gian không đòi được nợ, các tiểu thương đến tận nhà bà H thì phát hiện bà này đã chuyển đi. Bà H đã dùng đến 4 căn nhà để làm nơi giao dịch, nhận hàng với các tiểu thương. Trong 4 căn nhà đó, chỉ có 1 căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà H, 3 căn còn lại được thuê trong thời gian rất ngắn.

Hộ tiểu thương Nguyễn Lực - bị bà H nợ với số tiền gần 1 tỉ đồng - trình bày: “Vào ngày 12.6.2012, bà H gọi đến cửa hàng chúng tôi để giao dịch một lô hàng áo khoác trị giá 170 triệu đồng. Bà H thanh toán 150 triệu, còn khất lại 20 triệu. Sau đó, bà H lại đặt tiếp 30 ngàn áo khoác trị giá 1,8 tỉ đồng và thanh toán nửa số tiền”.

Sau vài ngày, bà H lại đặt 60.000 cái áo nhưng cửa hàng Nguyễn Lực thấy áo khoác mà cửa hàng mình giao cho bà H được các cửa hàng khác đang bán ở chợ Tân Bình với giá chỉ 45.000 đồng/cái (trong khi giá Nguyễn Lực đã giao cho bà H đã là 55.000 đồng- PV). Số tiền bà H còn nợ cửa hàng đã lên đến gần 1 tỉ chưa thanh toán, chủ hàng sinh nghi và không giao nữa, gọi điện cho bà H thì không liên lạc được.

Tiểu thương Phạm Thị Yến cũng bức xúc: “Bà H gọi cho tôi lấy tên là Dung, đặt một lô hàng 10.000 cái áo may sẵn, trị giá 108 triệu đồng đến một căn nhà địa chỉ ở phường 12, quận Bình Tân. Tối tôi chở hàng đến, bà H không trả tiền mà khất đến  sáng hôm sau, với lý do vừa thanh toán cho mối hàng trước nên hết sạch tiền. Sáng hôm sau, tôi gọi điện thì bà H không nghe máy. Tôi đến nhà bà thì nhà đóng cửa. Tôi hỏi hàng xóm xung quanh căn nhà đó thì được họ cho biết bà H vừa thuê căn nhà đó được 10 ngày và mới chuyển đi”.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Các tiểu thương bị nợ tiền cho biết, sau một thời gian dài không thanh toán được số tiền nợ, lại không liên lạc được với bà H, họ vô cùng bức xúc. Một số người tìm đến địa chỉ nhà trên đường Nguyễn Thị Mai do bà H đứng tên thì nhà khóa trái im lìm.

Ngày 7.7.2013, bà H đến một cửa hàng vải chợ Tân Bình để đặt hàng thì bị các tiểu thương phát hiện, đưa lên trụ sở công an phường 8 và viết đơn tố cáo. Có hơn 30 tiểu thương cùng tham gia liệt kê khoản nợ với bà H.

Số nợ được liệt kê lên đến gần 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong ngày hôm sau, bà H được chồng đến trụ sở Công an phường làm thủ tục bảo lãnh về. Sau sự việc đó, các tiểu thương cho biết bà H đã làm thủ tục tặng căn nhà đang sở hữu lại cho chồng vào ngày 30.7.

Giấy tờ sở hữu căn nhà được bà H sang tên ngay cho chồng sau khi bị đưa ra cơ quan công an.

Các tiểu thương đến cơ quan CA phường thắc mắc thì được trả lời đã chuyển hồ sơ lên Công an quận Tân Bình. Khi phóng viên liên hệ với Công an phường 8, quận Tân Bình, ông Nguyễn Anh Pha (Phó công an phường 8 – cảnh sát Tổ phòng, chống tội phạm) cho biết: “Công an phường đã chuyển hồ sơ liên quan lên Công an quận Tân Bình vào ngày 12.7.2013. Hiện tại hồ sơ vẫn nằm ở Công an quận Tân Bình”.

Chúng tôi nhiều lần liên hệ với Công an quận Tân Bình để tìm hiểu sự việc, nhưng Trưởng công an quận Tân Bình liên tục nói bận họp đột xuất. Bất lực vì chờ một thời gian quá lâu không thấy các cơ quan chức năng giải quyết, hiện nay các hộ tiểu thương đành phải nhờ đến một công ty luật đòi lại quyền lợi.

Nguồn: Báo Lao Động

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng chục tiểu thương bị “xù nợ” tiền tỉ