Khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay, trong đó nhu cầu từ Việt Nam chiếm một phần đáng kể.

Hàng không Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của hàng không Đông Nam Á

25/10/2019, 17:08

Khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay, trong đó nhu cầu từ Việt Nam chiếm một phần đáng kể.

Đây là một phần của bản Dự báo Thị trường Thương mại thường niên của Boeing (CMO), có phạm vi dự báo xa nhất trong ngành và được đánh giá là phân tích toàn diện nhất trong ngành hàng không. Bản dự báo này được công bố ngày 24.10 tại Hà Nội và mới đây, 25.10 tại TP.HCM.

Boeing dự báo trong 20 năm tới, các hãng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới với trị giá 710 tỷ USD theo giá niêm yết. Sự tăng trưởng này kéo theo nhu cầu về các dịch vụ hàng không thương mại trị giá 785 tỷ USD trong giai đoạn từ 2019 đến 2038. Thị trường hàng không Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng này. Đến năm 2038, đội máy bay của Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần.

Tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế thúc đẩy hàng không

Theo ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại thuộc Boeing, nhận định: “Ngành hàng không Việt Nam đã và đang tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm vừa qua, với số lượt hành khách tăng gấp ba lần và số lượng máy bay tăng gấp đôi”, ông nói thêm “tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh nhất Đông Nam Á, song song với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trong nước và quốc tế, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.”

Ông Darren Hulst – Phó Chủ tịch cấp cao, Marketing Thương mại của Boeing chia sẻ những dự báo trong ngành hàng không

Theo báo cáo cụ thể từ CMO, tăng trưởng GDP hàng năm đạt hơn 6%, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và ngành du lịch lữ hành phát triển mạnh là các yếu tố thúc đẩy thị trường nội địa Việt Nam mở rộng đến 4 lần – từ 800.000 ghế mỗi tháng vào năm 2009 tăng lên 3,3 triệu ghế mỗi tháng vào năm 2019.

Loại máy bay một lối đi thân hẹp được dự báo vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đội máy bay dùng để khai thác các tuyến nội địa và trong khu vực của Việt Nam, với số chuyến bay nội địa tăng 3,5 lần trong thập kỷ qua, từ 5.340 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2009 lên 18.680 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2019.

Trong vòng 5 năm qua, ngành hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng, với các chỉ số được sử dụng để đo lường như lưu lượng hành khách, lượng hàng hóa, số lượng máy bay. Theo đó, số lượng hành khách tăng gấp 3 lần, số lượng hàng hóa tăng gấp 2 lần, và đội máy bay được khai thác tăng gấp 2 lần.

Đây chỉ là bước đầu của sự phát triển của ngành hàng không, vì sự phát triển của ngành hàng không có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế.

Nhu cầu mở rộng đường bay dài, tiềm năng lớn của hàng không Việt Nam

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 10% và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi ngành du lịch trên toàn thế giới. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đã tăng gấp 2 lần trong bốn năm qua. Năm 2018 có 12 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, và con số này được cơ quan chính phủ dự kiến sẽ tăng gấp 2 hoặc gấp 3 trong vòng 6 năm tới. Qua đó, có thể thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn của ngành hàng không Việt Nam nhờ các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế, và sự thu hút của Việt Nam đối với du khách nước ngoài.

Ngoài ra, cơ hội mở rộng thêm các đường bay dài cũng thúc đẩy nhu cầu về dòng máy bay thân rộng. Trong năm qua, 50 điểm đến quốc tế mới đã được khai thác từ Việt Nam, và các máy bay thân rộng được chế tạo với công nghệ mới sẽ giúp các hãng hàng không Việt Nam trong tương lai đáp ứng hai trong số những thị trường còn trống lớn nhất từ Việt Nam đến Bắc Mỹ như đường bay từ TP.HCM đến Los Angeles và từ TP.HCM đến San Francisco.

Đông Nam Á là khu vực phát triển mạnh về hàng không, đặc biệt là Việt Nam

Dự báo về nhân sự và số lượng máy bay

Trong báo cáo mới nhất của Boeing, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á. Tại khu vực này, Boeing ước tính nhu cầu về máy bay sẽ đạt 4.500 chiếc. Chiếm phần lớn trong số máy bay này sẽ là loại máy bay một lối đi (loại thân hẹp, ví dụ như Boeing 737). Số lượng máy bay một lối đi ước tính sẽ chiếm đến hơn 3.600 chiếc, và nhu cầu về máy bay thân rộng như 777 hay 787 sẽ chiếm khoảng 800 chiếc. Song song với nhu cầu lớn về số lượng máy bay, nhu cầu về các dịch vụ liên quan để hỗ trợ sự tăng trưởng của các đội máy bay cũng sẽ rất lớn.

Để đảm bảo về phụ tùng và các thành phần của máy bay, dịch vụ mặt đất, dịch vụ kỹ thuật – bảo trì máy bay, các giải pháp số để giúp các hãng hàng không tăng trưởng hiệu quả hơn, thì ngành hàng không cần đến hơn 800 tỷ USD cho ngành dịch vụ hàng không thương mại trong 20 năm tới, tính riêng tại khu vực Đông Nam Á. Trên khía cạnh đào tạo và nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhân viên trong ngành hàng không, riêng khu vực Đông Nam Á đã cần đến hơn 200.000 nhân sự.

Cũng theo dự báo này, trong 20 năm tới trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu về máy bay thương mại mới sẽ đạt 44.040 chiếc với trị giá 6,8 nghìn tỷ USD, và nhu cầu dịch vụ hậu mãi sẽ có tổng trị giá đến 9,1 nghìn tỷ USD.

Thiên Di

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng không Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của hàng không Đông Nam Á