Khoảng vài tháng trước, tiếp sau phiên truyền hình trực tiếp việc Formosa nhận trách nhiệm về nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung, truyền thông chính thức Việt Nam thường đưa tin với nội dung: “Chúng ta đấu tranh quyết liệt và buộc Formosa phải cúi đầu nhận lỗi” hay “Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc buộc Formosa phải cúi đầu nhận tội”.

Hành động dựa trên pháp luật thay vì bắt ai đó 'phải cúi đầu'

18/09/2016, 04:27

Khoảng vài tháng trước, tiếp sau phiên truyền hình trực tiếp việc Formosa nhận trách nhiệm về nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung, truyền thông chính thức Việt Nam thường đưa tin với nội dung: “Chúng ta đấu tranh quyết liệt và buộc Formosa phải cúi đầu nhận lỗi” hay “Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc buộc Formosa phải cúi đầu nhận tội”.

Dàn lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi

Là người có lập trường cho rằng cần phải đưa Formosa ra tòa án xét xử công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tôi lại không đồng tình với cách nói, cách nghĩ như trên.

Người Nhật cúi đầu thật sâu khi chào ai. Đó là biểu hiện của sự tôn trọng người được chào. Thường chúng ta thấy người chào và người được chào đều cúi đầu sâu như nhau một cách binh đẳng.
Người Việt chúng ta lại có tâm lý khác. Các cảnh lễ lạt trên truyền hình cho thấy tư thế khác nhau của hai bên chào nhau. Một bên ngó ngang, đưa một tay, một bên cúi đầu xuống, đưa hai tay ra. Thông thường bên cúi đầu thấp hơn là bên có vị trí thấp hơn, lệ thuộc hơn. Hoặc bên cúi đầu thấp hơn là bên đang ở vị trí bất lợi, đang nhận lỗi. Và trong tâm lý người Việt, câu nói “cúi đầu nhận lỗi” hàm ý miệt thị hay tỏ ý bề trên, ít nhất là bề trên trong lý lẽ, của người đúng đối với người sai, của người xét xử đối với người có tội.

Thật lòng, khi nghe hay đọc những câu có thái độ miệt thị như vậy, tôi thấy gờn gợn một nỗi xót xa, bất nhẫn. Người có lỗi muốn xin lỗi kiểu nào là việc của họ, còn chúng ta, dù bị thiệt hại tới đâu, cũng không nên hả hê khi thấy người gây nên sự việc bị miệt thị mà không thể trả lời.

Formosa đã gây tai hại môi trường cho các tỉnh miền Trung. Formosa đã chôn chất thải không đúng qui định. Chính phủ Việt Nam, vì quyền lợi của dân Việt Nam, cần nhờ bên thứ ba có thẩm quyền điều tra khoa học, công khai và minh bạch. Sau đó, nếu có đủ cơ sở, cần kiện Formosa ra tòa án. Các hội nghề nghiệp Việt Nam, vì quyền lợi ngành nghề và quyền lợi của hội viên, có thể kiện Formosa ra tòa án. Các nhóm dân chúng bị thiệt hại trực tiếp có thể hợp nhau kiện Formosa. Có thể mời chuyên gia quốc tế có liên quan tham gia, và rồi tất cả nghe theo phán quyết của tòa. Tòa có thể phán quyết Formosa vi phạm luật pháp và áp dụng các biện pháp chế tài, hoặc tòa có thể phán quyết Formosa vô tội.

Tuy nhiên, ngay cả khi tòa phán quyết Formosa vi phạm luật pháp, thì điều đó không có nghĩa là người khác có quyền miệt thị Formosa. Formosa gây thiệt hại cho dân chúng, Formosa vi phạm pháp luật, Formosa chịu phạt theo qui định của pháp luật, thế là đủ, là xong.

Khi đọc những bài báo giật tít: “Formosa cúi đầu nhận tội”, tôi tự hỏi: điều này phản ánh tâm lý gì, thái độ gì ẩn giấu bên trong?

Phải chăng đó là tâm lý xem trọng cảm tính hơn lý tính? Cho nên một mặt thì miệt thị Formosa để vuốt ve lòng tự ái của chính mình và xoa dịu cơn giận nhất thời của đám đông, một mặt lại không điều tra khách quan và minh bạch, không kiện Formosa ra toà cho đúng công tâm và luật pháp để tìm giải pháp lâu dài. Chưa có điều tra khách quan các khía cạnh, sao có thể “khoan hồng, vị tha, bao dung, độ lượng…” (như đề nghị của một quan chức cao cấp Việt Nam) với người bị bắt quả tang (đặt ống xả thải dưới biển và chôn chất thải trên bờ)? Sao biết được ai là người chạy đi, ai là người chạy lại? Chưa có công lý, sao có thể biết ai là người có tội để mà thông cảm và đồng cảm với nghi can?

Phải chăng đó là tâm lý sĩ diện hão, và kèm theo đó là tâm lý thích lên mặt, thích đứng trên người khác? Hay tệ hơn nữa là tâm lý thích làm nhục người khácđể tự hể hả và che lấp yếu kém của mình? Cho nên thường tự khen ta là tài giỏi, nghiêm túc… thường tự hào là ta cao tay hơn địch thủ, ta bắt địch thủ phải làm như ý của ta…

Nếu có một trong hai tâm lý nêu trên thì, theo tôi nghĩ, không tốt chút nào.
Tâm lý không thích mọi việc được đưa ra trước ánh sáng công tâm và luật pháp sẽ khiến người ta dễ phạm sai lầm hay dễ gian dối!
Tâm lý thích lên mặt, thích đứng trên, thích miệt thị người khác… không thích hợp với giá trị sống phổ quát của thời đại: Bình Đẳng, Tôn Trọng Con Người. Tâm lý này cản trở người ta tìm giải pháp win-win, là giải pháp được đánh giá hữu hiệu hiện nay. Hơn nữa, tâm lý này có hai mặt, một mặt khiến người ta ít thấy khuyết điểm của mình, dễ thấy khuyết điểm người khác, mặt khác lại khiến dễ cúi đầu trước những người mạnh hơn mình về quyền thế hay tiền của. Tâm lý này trói buộc con người vào các sự việc nhỏ mọn, không thực tế, ngăn cản tầm mắt hướng về tương lai rộng mở và phát triển.

Những tâm lý nói trên dễ đưa người ta vào thất bại, thua cuộc. Xin cùng nhìn vào thực tế 4 tỉnh miền Trung để hỏi rằng dân chúng nơi đó đã thành công đòi lại được công lý để phục hồi môi trường sống và làm ăn hay họ đã thất bại trong đau xót, mất mát và tuyệt vọng!

Người có tâm lý tôn trọng người khác thì mới tự trọng. Người có tâm lý thích đưa sự việc ra trước ánh sáng công tâm và pháp luật thì mới trung thực và công bình. Tôi nghĩ, đó là cái đẹp của những giá trị sống được yêu mến và tôn trọng bởi nhiều quốc gia hiện nay./.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành động dựa trên pháp luật thay vì bắt ai đó 'phải cúi đầu'