Có được chút tiền dư, bà dồn hết vào những bữa ăn cho người nghèo. Bây giờ, bà chỉ mong sao kiếm thêm chút thức ăn ngon, bổ sung cho thực đơn dịp cuối tuần.

Hậu Giang: Vợ chồng 15 năm làm từ thiện và kỳ vọng cơm có trứng

Thanh Nguyên | 04/01/2021, 11:16

Có được chút tiền dư, bà dồn hết vào những bữa ăn cho người nghèo. Bây giờ, bà chỉ mong sao kiếm thêm chút thức ăn ngon, bổ sung cho thực đơn dịp cuối tuần.

15 năm đưa cơm cho người nghèo

Ở bếp ăn tình thương miễn phí của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang, mỗi ngày 2 buổi phát cơm đều tấp nập người đến nhận. Những phần cơm miễn phí này đa phần là dành cho những người nghèo đi nuôi bệnh. Dù bữa ăn đạm bạc chỉ gồm cơm trắng và canh rau, thỉnh thoảng có thêm món rau xào, nhưng đối với những người nghèo thì đó là đã trân quý.

3(2).jpg
Vợ chồng bà Khánh, ông Bé với nụ cười hồn hậu - Ảnh: Thanh Nguyên

Tại bếp ăn này, vợ chồng bà Trần Kim Khánh (55 tuổi) và ông Nguyễn Văn Bé (60 tuổi) - ngụ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã có “thâm niên” 15 năm nấu cơm, phục vụ cho không biết bao nhiêu người nghèo. Bà Khánh kể rằng trước thời điểm 15 năm, cuộc sống của bà còn cơ cực lắm. Ai thuê bà đi dọn nhà, cắt cỏ, làm việc chân tay mà làm được là bà đi. Nhưng làm thì làm, thời gian làm những việc từ thiện vẫn được bà ưu tiên.

“Thời trước nhà còn nghèo, mua được chiếc xe đạp tôi đạp từ nhà lên Một Ngàn, xuống Long Mỹ (các địa danh ở Hậu Giang - PV) đi nấu cơm ở các bệnh viện, nấu xong ở đây, còn đi qua chùa nấu tiếp. Làm có mệt, nhưng tâm mình thanh thản lắm”, bà nói. Rồi khi gắn bó với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang, bà nấu và đưa cơm cho người nghèo đến tận bây giờ.

Bà Khánh kể, một trong những nguyên nhân khiến bà càng quyết tâm vào những việc làm này là thời gian nuôi chồng bệnh. Bà chứng kiến những phận đời đi nuôi bệnh trên hành lang bệnh viện. Đó là tiếng thở dài, ánh mắt lo âu khi lần dở đếm từng xấp tiền lẻ, đó là những giọt nước mắt bất lực của thân nhân người bệnh. Những người nghèo có người nhà bị bệnh, khổ không có lời nào tả được. Bà Khánh đồng cảm lắm! Bà muốn làm gì giúp họ vơi đi những lo toan.

Ông Bé chồng của bà bị bệnh rối loạn hoạt động não, đó là chứng bệnh tâm thần tiêu tốn không biết bao nhiêu tài lực của gia đình. Phải mất 6-7 năm điều trị liên tục, qua nhiều bệnh viện ông Bé mới sống ổn định như bây giờ. Khi hồi phục, để giữ cho tinh thần chồng luôn lạc quan, bà kéo ông vào hoạt động từ thiện này. Từ đó, hơn chục năm qua, đều đặn mỗi buổi sáng 2 vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp cũ đưa cơm từ bếp ăn đến Khoa Tâm thần và Da liễu của bệnh viện.

Họ chọn đưa cơm đến khoa này cũng vì những năm trước, ông Bé từng gắn bó ở đây, được các bác sĩ giúp đỡ quan tâm nhiệt tình. Người vợ kể: “Vợ chồng tôi chở tới đây 1 thùng cơm, 1 thùng canh rồi bệnh nhân, hoặc người nhà của họ tới nhận. Thùng nào gần hết thì tôi ở lại chờ, còn ổng về bếp lấy thêm. Các bác sĩ ở đây rất tốt, thương chồng tôi lắm. Họ hùn nhau lại cho chồng tôi mỗi tháng 450.000 đồng để đổ xăng”.

Ở bếp ăn tình thương, công việc mỗi người được phân công rõ ràng theo ca. Như vợ chồng bà Khánh buổi sáng có mặt để phụ giúp nấu cơm, nhưng việc chính là đi đưa cơm. Ca chính của 2 vợ chồng là vào Chủ nhật hằng tuần. Để chuẩn bị cho ca làm việc của mình, từ chiều thứ sáu, họ đi đến các chợ để xin thêm rau củ quả đem về bếp, cải thiện bữa ăn cho người nghèo.

Mỗi ca nấu cơm của 2 vợ chồng bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng, mỗi lần nấu khoảng 70kg gạo và tùy theo tình hình mà đến trưa, số gạo để nấu có thể tăng thêm hơn 30kg. Cơm ở đây được nấu bằng những nồi hấp và dùng trấu để đun. Nhờ vậy chỉ cần canh thời gian là đảm bảo cơm chín thơm ngon.

Từ “tổ trưởng tổ muối tiêu” đến kỳ vọng “cơm có trứng”

Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện đa khoa Hậu Giang có quỹ, nhưng rất hạn chế và khi sử dụng phải cân nhắc kỹ. Do đó những phần cơm được phát đi đa phần chỉ kèm thêm canh rau, thỉnh thoảng có thêm món đậu hủ xào rau củ. Duy chỉ có thứ bảy, 1 mạnh thường quân tài trợ cho 10kg thịt heo. Số thịt này được kho và phát kèm theo cơm vào buổi sáng, còn buổi chiều thì phát tàu hũ kho. Hai loại thực phẩm này được duy trì hơn 3 năm qua.

4(1).jpg

Người nghèo xếp hàng nhận cơm từ bếp ăn tình thương ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Thanh Nguyên

Ngoài nhận nhiệm vụ nấu cơm vào cuối tuần, vợ chồng bà Khánh còn nhận thêm việc nấu cháo trắng khuya cho người nghèo vào 3 giờ sáng thứ hai và thứ năm hằng tuần. Để duy trì nồi cháo này mấy năm qua, vợ chồng bà Khánh vào tối hôm trước phải đi ngủ sớm và thức lúc nửa đêm để chuẩn bị nấu. Một năm trước, thấy cháo trắng mà không kèm đồ ăn mặn thì khó ăn, bà Khánh đề xuất ý định làm muối tiêu để phát kèm theo cháo và cả những bữa cơm.

Đề xuất này của bà Khánh gặp khó khăn khi quỹ của bếp ăn rất ít và chỉ được dùng để mua đường, hạt nêm, trấu… hoặc để sữa chữa bếp khi hư hỏng. Nếu làm muối tiêu thì phải duy trì, không thể đứt quãng được. Với quyết tâm cải thiện bữa ăn cho người nghèo, bà Khánh vận động bạn bè đóng góp để duy trì muối tiêu trong mỗi bữa ăn. Và từ đó, bà được gọi vui là “tổ trưởng tổ muối tiêu”.

Muối tiêu nghe đơn giản nhưng để làm số lượng lớn ăn đủ trong 1 tháng không hề dễ dàng. Mỗi lần làm, bà Khánh chuẩn bị khoản 80-90kg muối, 10kg tiêu, 5kg bột ngọt và nhân sự thì cần rất đông trong khâu đóng gói. Chi phí mỗi lần để làm lượng muối tiêu trên tiêu tốn trên dưới 1 triệu đồng, chủ yếu là do giá hạt tiêu biến động.

“Tiêu được rang lên cho thơm rồi mới xay chung với muối và bột ngọt. Cực nhất là khâu đóng gói vào từng túi ni lông nhỏ, đủ cho 1 bữa ăn. Chúng tôi gần cả chục con người ngồi miệt mài cả ngày trời đổ muối vào túi rồi hơ từng túi nhỏ này trên lửa đèn cầy để hàn lại. Muối tiêu không thể để trong hủ rồi múc ra phát được vì sẽ bị chảy nước, và mùi vị cũng sẽ giảm”, bà Khánh kể.

Nhờ sự nỗ lực của bà Khánh, bữa cơm, bữa cháo của những người nghèo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang hơn 1 năm qua đã trở nên ngon miệng hơn nhiều. Nhìn thấy những người nghèo ở bệnh viện có cơm ăn ngày 2 bữa, vợ chồng bà Khánh thấy vui lắm. Những người nghèo có thể xin cơm ở bếp rồi mua thức ăn bên ngoài, nhưng thực tế bà Khánh thấy nhiều người chỉ ăn cơm với muối tiêu hoặc những thức ăn được phát.

Thấy vậy, bà trăn trở và mong sao mỗi bữa ăn của người nghèo có thêm phần đạm, các dinh dưỡng cần thiết khác. Nhưng hoàn cảnh của bà không khá hơn ai, vợ chồng bà hiện tại ngoài việc từ thiện thì không làm gì thêm. Bà kể: “Tôi có đứa con gái có gia đình rồi, nó buôn bán ở ngoài chợ. Được cái ủng hộ cha mẹ làm từ thiện lắm, thường tài trợ mắm muối, gia vị cho tôi. Thỉnh thoảng lại dúi cho cha mẹ ít tiền”.

Mong mỏi của bà Khánh lại càng bùng lên khi mới vừa rồi, bà được người quen tài trợ cho gần trăm cái trứng vịt. Nhìn trứng vịt để trước mặt, bà không biết làm sao để chế biến có lợi nhất, nhiều người được ăn nhất. Vậy là bà xuất tiền túi mua thêm củ cải muối, ngồi hàng giờ xắt thành sợi rồi xào lên với trứng. Vậy là bữa cháo khuya tối hôm đó, có thêm món củ cải muối xào trứng. Thấy người ngồi ăn cháo dọc hành lang bệnh viện, bà Khánh mắt rưng rưng vì xúc động.

Tính đi tính lại, bà Khánh thấy trứng vịt là món ăn phổ biến và giá thành lại khá rẻ ở TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Nhưng để 1 tuần có 1 bữa trứng cho người nghèo cũng là điều gian nan. “Tôi tính mỗi cái trứng khoảng 2.000 đồng, bữa chủ nhật tôi nấu cơm thì cũng phải cần 200 cái trứng thì mới đủ cho ai cũng có ăn. Như vậy phải tốn 400.000 đồng, mỗi tháng là 1.600.000 đồng, 1 năm là gần 20.000.000 đồng. Nhiều vậy, tôi biết lấy đâu ra. Nếu làm thì phải làm liên tục, ngày có ngày không thì tội người ta lắm”, bà Khánh thở dài.

“Cơm có trứng” khiến người phụ nữ này suy nghĩ rất nhiều. Bà tính, nếu chế biến trứng chiên, trứng xào thì sẽ hơi mất công, còn nếu trứng luộc thì đơn giản nhưng ăn không ngon. Hoặc sẽ phải tính thêm khoản nước tương, nước mắm để ăn kèm trứng luộc. “Nhưng mà cái quan trọng là có trứng đã, có trứng rồi thể nào cũng tính được”, bà quả quyết. Hy vọng rằng, với trái tim ấm áp của mình, đôi vợ chồng này sẽ lan tỏa yêu thương đi khắp nơi. Và một ngày không xa, những bữa “cơm có trứng” sẽ đến tận tay người nghèo không chỉ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang mà còn lan đi khắp nơi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu Giang: Vợ chồng 15 năm làm từ thiện và kỳ vọng cơm có trứng